logo
EN
VN

Bằng cấp quốc tế nào được công nhận? Khóa học nào là hợp pháp?

Tìm hiểu kỹ cơ sở đào tạo và văn bằng qua tên nguyên gốc để xác định tính pháp lý của cơ sở đào tạo, khóa học và văn bằng được cấp cũng như giá trị tương đương trong hệ thống giáo dục của các quốc gia khác.

Tiếp nối bài báo kỳ trước về nội dung thông tin trên văn bằng, nhóm nghiên cứu trong khuôn khổ dự án RecoAsia tiếp tục phân tích về một số thông tin quan trọng khác, cùng ý nghĩa của chúng nhằm giúp người học và các cơ quan hoạt động trong hệ thống giáo dục đại học hiểu được bản chất của các khóa học, lựa chọn đúng cơ sở giáo dục và khoá học có đủ tính pháp lý về đào tạo để cấp bằng và liên kết.
Trong kỳ trước nhóm nghiên cứu đã giải thích các thông tin về tên chính thức của văn bằng, yêu cầu đầu vào, bản chất văn bằng được cấp và học vị, ở bài báo kỳ này nhóm sẽ tập trung phân tích các thông tin về giá trị học thuật và nghề nghiệp của văn bằng, tên và tính pháp lý của cơ sở đào tạo, cũng như văn bằng, chứng chỉ được cấp.

Giá trị học thuật và nghề nghiệp của văn bằng
Việc xác định giá trị của một văn bằng dựa trên hai bình diện khác nhau: bình diện hành chính (do bộ phận hành chính phụ trách) nhằm xác minh tính hợp pháp của văn bằng như hiệu lực về thời hạn của văn bằng, khóa học và văn bằng đó có được công nhận hay không; giá trị học thuật (do hội đồng chuyên môn phụ trách) sẽ chỉ rõ bản chất của văn bằng và quyết định quyền ghi danh vào các khóa học của chu kỳ cao hơn.

Việc xác định đúng giá trị hành chính và giá trị học thuật của văn bằng là rất quan trọng, giúp tránh hiểu lầm giữa khái niệm “công nhận” và “công nhận tương đương”. Một khóa học hay một văn bằng được “công nhận” nghĩa là khóa học hay văn bằng đó có tồn tại, việc tổ chức và cấp bằng là hợp pháp; trong khi việc “công nhận tương đương” phụ thuộc vào giá trị học thuật: văn bằng đó là bằng đại học, thạc sĩ hay tiến sĩ, và cho phép người được cấp bằng học lên đến đâu.

Chẳng hạn, ở Italy, về mặt hành chính khóa học và văn bằng Master universitario di I livello (MU1) và Master universitario di II livello (MU2) là những khóa học và văn bằng hợp pháp, nhưng về mặt học thuật đây chỉ là chứng chỉ nghề, không tương đương với bằng Thạc sĩ và không phải là điều kiện đầu vào cho các khóa học thuộc chu kỳ tiếp theo.

Cụ thể hơn, ở chu kỳ 2 và khung trình độ 7 có các văn bằng, chứng chỉ khác nhau như Laurea magistrale/Laurea specialistica/Laurea a ciclo unico và MU1, nhưng MU1 không phải là bằng Thạc sĩ để có quyền ghi danh học các khóa thuộc chu kỳ 3 (Tiến sĩ và MU2), như Trung tâm thông tin văn bằng của Italia (CIMEA) đã khẳng định.

Tên, tính pháp lý của cơ sở đào tạo và văn bằng chứng chỉ được cấp
Người học cần tìm hiểu tên, địa điểm của cơ sở đào tạo (CSĐT) và hình thức cấp văn bằng/chứng chỉ cuối cùng để xác minh tính hợp pháp của khóa học và giá trị văn bằng được cấp. Đề cập tới tính pháp lý của CSĐT và văn bằng chứng chỉ được cấp, tồn tại những khả năng sau:

Thứ nhất, CSĐT không có tính pháp lý: trường không được phép đào tạo, không được phép cấp văn bằng.

Thứ hai, CSĐT có tính pháp lý nhưng một số văn bằng của CSĐT không được kiểm định cấp quốc gia nên chỉ được công nhận ở nước sở tại mà không được công nhận tương đương trong hệ thống giáo dục của nước khác.
Chẳng hạn, ở Brazil các CSĐT đủ tính pháp lý có quyền tổ chức các khóa học Lato sensu và Stricto sensu (đều thuộc chu kỳ 2 - cấp độ sau đại học) nhưng chỉ Stricto sensu được công nhận, như ở Italy, còn Lato sensu không được công nhận vì không có kiểm định quốc gia.

Thứ ba, CSĐT có tính pháp lý và có nhiều phân hiệu khác nhau nhưng không phải phân hiệu nào cũng có quyền đào tạo cấp bằng.
Chẳng hạn, Học viện Thiết kế châu Âu có nhiều phân hiệu khác nhau ở Italy, trong giai đoạn 2010-2012 chỉ có phân hiệu ở Milan và Rome được quyền cấp bằng đại học một số chuyên ngành như Thiết kế nội thất, Thiết kế thời trang và Thiết kế đồ họa (theo Nghị định số 292, ngày 10/12/2010 của Bộ Giáo dục đại học và nghiên cứu Italy) còn phân hiệu ở Turin thì không.
Bắt đầu từ năm học 2012-2013 phân hiệu ở Turin mới được quyền cấp bằng (theo Nghị định số 208, ngày 17/12/2012 của Bộ giáo dục đại học và nghiên cứu Italy).

Thứ tư, các tổ chức giáo dục quốc tế: một số cơ sở giáo dục đại học không thuộc bất kỳ hệ thống giáo dục chính thức nào nhưng được nhiều quốc gia công nhận và thường do các tổ chức quốc tế thành lập hoặc trên cơ sở các hiệp định song phương, đa phương giữa các quốc gia khác nhau.
Chẳng hạn, Đại học Liên hợp quốc là một cơ sở giáo dục được điều hành và tài trợ bởi Liên hợp quốc, có trụ sở tại Tokyo nhưng không thuộc hệ thống giáo dục của Nhật Bản. Các văn bằng của trường này có thể được công nhận trong hệ thống giáo dục của Italy.
Viện Đại học Châu Âu là cơ sở được điều hành và tài trợ bởi các nước thuộc Liên minh châu Âu, có trụ sở tại Italy, không thuộc hệ thống giáo dục đại học của Italy nhưng bằng cấp được công nhận tại quốc gia này.

Khuyến nghị
Để nhận được một văn bằng hợp pháp và được công nhận, người học cần tìm hiểu rõ và tuân thủ các yêu cầu mà khóa học cung cấp; Tìm hiểu kỹ CSĐT qua tên nguyên gốc để xác định tính pháp lý của CSĐT, khóa học và văn bằng được cấp cũng như giá trị tương đương trong hệ thống giáo dục của các quốc gia khác.