logo
EN
VN

Xây tương lai bằng tiếng Việt

Trong khi không ít bạn trẻ Việt Nam chọn Trung Quốc để đi du học thì học sinh Trung Quốc cũng đang tìm đến Việt Nam. Cộng đồng ấy ngày càng đông, cùng với sự gia tăng hợp tác kinh tế-văn hóa giữa hai nước.

Tiếng Việt và những cơ hội

Hoàng Hiểu (sinh 1985) đến từ Đông Hưng, Quảng Tây là sinh viên khoa Tiếng Việt  Đại học Hà Nội. Du học dạng tự túc sau khi học đại học ngành thương mại ở Vũ Hán, Hiểu chọn Việt Nam và tiếng Việt vì cô muốn kinh doanh với người Việt, rất có thể là ngay tại Việt Nam.

Bố của Hoàng Hiểu là trí thức từng sang Việt Nam học và làm việc một thời gian. Cô kể, trong khoa Tiếng Việt, sinh viên Trung Quốc chiếm chủ yếu và rất gắn bó. Lớp cô, người trẻ nhất là 18 tuổi, lớn nhất 47 tuổi.

Image
Cẩm, Quyên và Nguyên (từ trái sang) tại căng-tin trường ĐH Hà Nội
Nguyên (sinh 1985), người Nam Ninh, đến Việt Nam học ngành Thương mại Quốc tế. Theo Nguyên, gần đây hợp tác buôn bán giữa ASEAN và Trung Quốc ngày càng mạnh, đặc biệt là giao thương Trung Quốc và Việt Nam qua các cửa khẩu.

Nam Ninh (Quảng Tây) quê Nguyên gần với cửa khẩu Hữu Nghị nên giao thương càng phát triển. Không chỉ có những người kinh doanh nhỏ mang hàng qua lại biên giới mà các Cty của người Việt cũng thành lập ở Nam Ninh.

Không như Nguyên và Hiểu tới Việt Nam mới làm quen với tiếng Việt, Quyên (sinh 1986), sinh viên khoa Tiếng Việt, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội chọn  tiếng Việt từ khi học tại Trung Quốc. Tốt nghiệp phổ thông, Quyên chọn thi vào khoa Tiếng Việt, Đại học dân tộc Quảng Tây.

Bố mẹ Quyên tin rằng, giỏi tiếng Việt giúp con gái có nhiều cơ hội làm việc ở Đông Hưng, Bằng Tường, thậm chí Bắc Kinh, Thượng Hải trong tình trạng thanh niên Trung Quốc thiếu việc làm như hiện nay.

Quyên kể, cô muốn làm phiên dịch và hướng dẫn viên du lịch vì khách du lịch Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại tăng cao. Ngoài ra, với tiếng Việt, cô còn có thể xin vào làm trong các Cty của ông chủ người Đài Loan hoặc Hông Kông bởi các Cty này hợp tác rất nhiều với Việt Nam.

“Ở trường chúng tôi có cả câu lạc bộ tiếng Việt. Chúng tôi thường đến đó để nghe nhạc, xem phim Việt Nam và trò chuyện với người Việt” -  Quyên kể về trường đại học ở Trung Quốc.

Tương đồng và khác biệt


Mỗi tháng, Hoàng Hiểu tốn 800 ngàn tiền thuê nhà. Nơi cô trọ, có nhiều sinh viên khoa tiếng Trung nên cuộc sống rất vui và dễ chịu.

Hiểu kể chuyện thời gian đầu, tiếng Việt của cô khá tệ. Ra chợ, muốn tránh mua phải gà già, cô hỏi người bán: “Gà này bao nhiêu tuổi?”. Tiếng Việt thật phong phú ngay cả với sinh viên của hệ ngôn ngữ nổi tiếng văn hoa, bóng bẩy như Trung Quốc.

Cẩm (sinh 1988), người Tô Châu, sinh viên năm nhất Đại học Hà Nội đặc biệt thích món ăn Việt dù quê hương Cẩm nổi tiếng về ẩm thực. “Thức ăn Việt ít dầu và ít cay hơn món ăn Trung Quốc nên không chỉ rất hợp mà còn tốt cho sức khỏe” -  Cẩm nói.

Là con trai, lại sống trong ký túc xá (45 đô la/ tháng), Nguyên thường ăn ở trong căng tin hoặc ra hàng. Xung quanh các trường đại học ở Thanh Xuân, Hà Nội có rất nhiều quán ăn cho sinh viên Trung Quốc, đặc biệt khu vực gần ký túc xá Mễ Trì.

Một cửa hàng cơm niêu của hai vợ chồng người Hoa đặc biệt thu hút sinh viên Trung Quốc. Một niêu cơm giá 12 ngàn đồng bằng đúng một niêu cơm 6 tệ ở thị trấn Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc).

Theo thầy Minh, khi giao thương hai nước phát triển như hiện nay, nhu cầu phiên dịch và người làm việc có tiếng Việt ở Trung Quốc nói chung và các tỉnh gần cửa khẩu như Quảng Tây nói riêng là rất lớn.

Thêm nữa, đào tạo các ngoại ngữ khác như tiếng Anh, tiếng Nhật ở các tỉnh như Quảng Tây khó có chất lượng cao như mong muốn, trong khi ở đây, sinh viên có thể học tiếng Việt tốt nhất và cơ hội du học ở nước bản địa rất thuận lợi.

Ở Quảng Tây, biết tiếng Việt nhiều khi còn dễ xin việc và có lương cao hơn biết tiếng Anh.

Các cựu sinh viên hay những ông chủ Trung Quốc đã nhanh nhạy mở các cửa hàng như  Internet, hàng lưu niệm một giá, thậm chí cả quán karaoke ở Triều Khúc phục vụ các bài hát tiếng Trung và tiếng Việt.

Đến giờ Quyên vẫn nhớ một kỷ niệm và ấn tượng ở Việt Nam. Bạn cô để quên một chiếc túi có 500 ngàn đồng và điện thoại di động. Có người nhặt được đã gọi điện cho một người bạn có trong danh bạ của người mất đồ để liên lạc và trả lại túi.

Hoàng Hiểu thì khoe cô đã được một bạn đưa về quê Hà Nam chơi và ngắm làng quê Việt ngày gặt lúa. Một hình ảnh Việt Nam đẹp cùng ngôn ngữ tiếng Việt là hành trang của họ khi trở về Trung Quốc.

Tết này, Quyên và Nguyên không về quê mà muốn trải nghiệm một cái tết đúng chất Việt Nam cùng một gia đình người Việt.

Tương lai vững chắc

Sinh viên Trung Quốc du học thường theo hai con đường: Trao đổi du học sinh giữa hai trường, hoặc du học tự túc do sinh viên tự liên hệ trực tiếp với trường ở Việt Nam.

Như Đại học dân tộc Quảng Tây có khoa Tiếng Việt được đánh giá là tốt nhất Trung Quốc. Hàng năm, trường kết nghĩa với Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, Đại học Quốc gia TPHCM… để trao đổi sinh viên.

Giảng viên Sầm Tấn Minh (Khoa Tiếng Việt, Đại học dân tộc Quảng Tây) cho biết, riêng khoa Tiếng Việt chính quy của trường, hằng năm có 2 đến 3 lớp (mỗi lớp 26 sinh viên) được chuyển qua các trường ở Việt Nam.

Ngoài ra, số sinh viên của hệ mở rộng, hay sinh viên theo học các khoa Du lịch và  khoa thương mại cũng sang Việt Nam học tiếng và học tiếp chuyên ngành là không thể tính hết. Tỉnh Quảng Tây cũng có thêm những trường đại học mở thêm khoa Tiếng Việt, trong đó lớn nhất là Đại học Quảng Tây.

Năm qua, điểm đầu vào khoa Tiếng Việt là 550 điểm, cao hơn cả khoa Tiếng Anh (530 điểm). Giảng viên Sầm Tấn Minh cho biết thêm, sinh viên theo học khoa tiếng Việt dần đông lên vào năm 1993 và con số cao nhất là hai năm 2002 và 2003.

Sinh viên hệ chính qui của khoa Tiếng Việt sang Việt Nam học từ năm học thứ ba. Họ phải đóng 8.000 tệ/ năm (khoảng 17 triệu đồng); với sinh viên hệ mở rộng thì 1.500 đô la/ năm (gồm cả chỗ ở).

Khi đã có tiếng Việt tốt, ngay khi đi học, các sinh viên này đã có thể làm thêm với mức lương cao tới 25 đô la/ ngày. Nhiều tập đoàn, Cty lớn ở Trung Quốc đến tận khoa để tuyển chọn sinh viên.

Theo tienphongonline.com.vn