logo
EN
VN

Cựu sinh viên Khoa tiếng Nga – Vượt thăng trầm để thành công

Chia sẻ của cựu sinh viên Lê Thị Thu Hằng lớp FN2-89 - Khoa tiếng Nga, hiện nay là Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Ký ức của tôi về Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Trường Đại học Hà Nội) với 5 năm tuổi xuân và đó là 5 năm đẹp nhất của cuộc đời. Đó cũng là những năm tháng đất nước đi qua nhiều biến động của thời cuộc, từ khó khăn, vất vả vươn lên, vượt qua thách thức, phá thế bao vây cấm vận để hòa mình vào dòng chảy chung của thế giới. Bối cảnh đó đặt ra cho dân tiếng Nga chúng tôi vô vàn trắc trở. Thi đại học năm ấy, khối D (ngoại ngữ) cũng như các khối khác bị cắt rất nhiều chỉ tiêu đi học nước ngoài. Cả nước đâu chỉ còn 5-6 chỉ tiêu, hầu như rơi vào các bạn đoạt giải quốc tế (Olympic tiếng Nga). Lớp chuyên Nga Trường Hà Nội - Amsterdam của chúng tôi thi vào Đại học Ngoại thương không có một ai học tiếng Nga, thức thời chuyển sang tiếng Nhật, tiếng Anh hết, còn trường Đại học Ngoại ngữ năm ấy cũng thức thời mở lớp song ngữ Nga – Anh đầu tiên. Hai năm học hành miệt mài, nỗ lực phấn đấu để được chọn đi “chuyển tiếp” năm thứ ba ở Liên Xô. Vui sướng được lọt danh sách, háo hức chờ được làm giấy tờ, thậm chí đã đi khám sức khỏe (riêng tôi phấn khởi tới mức đi may sẵn một bộ áo dài, các bạn cùng lớp vẫn nhớ và trêu chọc tôi suốt), mong chờ từ ngày này qua ngày khác, ngóng thông tin từ chỗ nọ chỗ kia nhưng rồi hy vọng cứ tắt dần. Một ngày cuối tháng 12 năm 1991, bản tin buổi tối trên truyền hình Nga bắt đầu với một thông báo đặc biệt: “Chào buổi tối. Đây là chương trình thời sự. Liên Xô không còn tồn tại...” và vài ngày sau lá cờ đỏ búa liềm trên nóc tròn điện Kremli bị hạ xuống. Trái tim chúng tôi trong giây lát như bị bóp nghẹt, Liên bang Xô viết không còn nữa, tiếng Nga và những người học tiếng Nga như chúng tôi sẽ đi về đâu…

200525 chi Hang BNG_01a

Chị Lê Thị Thu Hằng trong vai trò là Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam

Thời thế đẩy dân tiếng Nga buộc phải chuyển đổi và quả thực chúng tôi chuyển đổi rất nhanh. Sáng học tiếng Nga ở trường, chiều học tiếng Anh ở một trường khác và những năm cuối đại học rất nhiều người trong chúng tôi đi dậy buổi tối ở Trung tâm ngoại ngữ lúc bấy giờ mọc như nấm sau mưa. Chúng tôi phải nỗ lực phấn đấu bằng 2-3 các bạn khoa khác. Chúng tôi vẫn bảo nhau phải “bơi” để không bị đuối, để đến được bờ. Các thày cô lúc ấy đúng là vừa dạy vừa dỗ, động viên, khuyên nhủ, còn lũ vô tâm chúng tôi không nghĩ rằng các thày cô Khoa Nga cũng đứng trước thách thức không nhỏ của thời cuộc, của đời sống, kể cả nỗi lo cơm áo, và hơn thế nữa với những người đã gắn bó với tiếng Nga hai ba chục năm, gần hết cả đời, đó hẳn là sự mất mát, là nỗi xót xa… Vẫn nhớ nụ cười hiền của thày Lê Đức Mẫn, những lời nói gan ruột của thày Lê Văn Nhân: “Gì thì gì vẫn cố gắng học, tấm bằng tốt nghiệp tiếng Nga vẫn sẽ là chứng chỉ để các em vào đời”. Và đúng là như thế, đó chính là tấm bằng đại học chính quy duy nhất trong hồ sơ xin việc và trong bộ hồ sơ cán bộ theo suốt cuộc đời công chức của tôi dù ai trong chúng tôi cũng có thêm tấm bằng tiếng Anh tại chức hoặc một chuyên ngành khác.

200525 chi Hang BNG_01

Chị Hằng đang trao đổi với Đại sứ Vương quốc Anh tại Hà Nội Gareth Ward trong một sự kiện.

Không chỉ nhờ tấm bằng tốt nghiệp để vào đời, những kỹ năng được rèn luyện trong những năm học tại trường như thực hành tiếng, kỹ năng nghe và nhất là dịch ca-bin, môn duy nhất chỉ có ở Đại học Ngoại ngữ Thanh Xuân, là những kỹ năng cơ bản đã giúp tôi rất nhiều khi học tiếng Anh và nhiều năm sau khi ra trường, làm phiên dịch tiếng Anh tôi vẫn thấy những kỹ năng này rất hữu ích. Có lẽ trong số các trường đại học đào tạo chuyên về ngoại ngữ thì trường Thanh Xuân vẫn “bắt” học thực hành tiếng và nghe nhiều nhất. Cái môn nghe “xương xẩu” trên phòng lab đeo bám suốt 5 năm. Và nếu không nhờ thày Bích đôn hậu thì đó cũng là môn đáng sợ của rất nhiều sinh viên. Môn ngữ pháp khô khan cũng trở nên lãng mạn do phương pháp giảng dạy độc đáo của cô Thư: “bắt” học cấu trúc qua các tác phẩm văn học Nga, nhờ đó tôi mới khám phá một ngôn ngữ Nga không trúc trắc khó hiểu mà rất đẹp và hàn lâm.

Ngoài học chuyên ngành, còn có nhiều môn chính trị, văn hóa nhưng ấn tượng nhất là học thể dục. Có lẽ duy nhất Đại học ngoại ngữ Thanh Xuân có môn thể dục nhịp điệu (aerobic) vào thời đó. Cô Duyên Loan thoạt nhìn người dây chả ai nghĩ là cô giáo thể dục, ấy mà khi bấm nút cái đài cát-xét cục gạch, nhạc vang lên, cô trở nên khác hẳn, mềm dẻo, uyển chuyển, bọn con gái đôi mươi khó lòng theo kịp.

200525 chi Hang BNG_03

Chị Lê Thị Thu Hằng cùng lãnh đạo Bộ ngoại giao kiểm tra công tác chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, tháng 2 năm 2019

May mắn hơn các bạn khác, tôi không mất tiếng Nga. Mặc dù vào nghề ngoại giao bằng tiếng Anh nhưng môi trường công tác cho tôi cơ hội vẫn dùng tiếng Nga, tuy không thường xuyên, khi trao đổi với phóng viên Nga thường trú tại Hà Nội. Nhiệm kỳ đầu tiên ở nước ngoài, tôi đã lựa chọn xin đi công tác ở Đại sứ quán Việt Nam tại Mát-xcơ-va và được chấp thuận. Vốn tiếng Nga của 3 năm chuyên ngữ và 5 năm đại học rơi rụng trong suốt 7 năm sau khi ra trường lại được hồi phục do chính người thày ở Thanh Xuân – thày Lê Văn Nhân. Nhờ những buổi luyện của thày ở Trung tâm ngôn ngữ Đông – Tây, tôi đã đủ tự tin lên đường nhận nhiệm vụ.

Hơn hai mươi lăm năm ra trường, trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, trong và ngoài nước, học nhiều khóa ngắn hạn và dài hạn khác nhau ở Việt Nam và nước ngoài, những ký ức về ngôi trường thân yêu, những kỷ niệm với thày cô, bạn bè vẫn còn nguyên vẹn trong tôi. Vẫn luôn tự hào một thời sinh viên “Đại học ngoại ngữ Thanh Xuân” và tự hào là một cựu sinh viên Khoa Nga, nơi đã đặt nền móng để tôi phát triển sự nghiệp của mình.

200525 chi Hang BNG_02

Chị Lê Thị Thu Hằng trở về thăm Trường nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Trường.