logo
EN
VN

PGS.TS Đào Thị Thanh Bình: Không có gì khó, chỉ cần có sự quyết tâm

210409 PGS DTT Binh_11

Ngày 23/12/2020, TS Đào Thị Thanh Bình (Phó Trưởng khoa Khoa Quản trị Kinh doanh và Du lịch) đã được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư tại Quyết định số 66/QĐ-HĐGSNN. Tiếp theo đó, Trường Đại học Hà Nội đã thành lập Hội đồng xét bổ nhiệm chức danh phó giáo sư đối với TS Đào Thị Thanh Bình.
Sáng ngày 08/4/2021, Trường Đại học Hà Nội đã công bố Quyết định bổ nhiệm chức danh Phó giáo sư ngành Kinh tế dành cho TS Đào Thị Thanh Bình. Nhân sự kiện đặc biệt này, chúng tôi đã có một cuộc gặp gỡ để chia sẻ niềm vui với cô, PGS.TS Đào Thị Thanh Bình.

PV: Em chào cô, PGS.TS Đào Thị Thanh Bình. Lời đầu tiên, em xin được gửi đến cô lời chúc mừng về những thành quả cô đã đạt được trong năm 2020. Khi vừa chính thức được Nhà trường trao quyết định bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư, cô có thể chia sẻ về cảm xúc của cô lúc này được không?
Cảm ơn em. Sau khi được nhận Quyết định công nhận chức danh Phó giáo sư, cảm xúc đầu tiên của cô là niềm vui và hạnh phúc vì được đón nhận những thành quả cống hiến trong hoạt động nghiên cứu của mình. Nhưng có lẽ trên hết là cảm xúc biết ơn. Cô thực sự muốn được bày tỏ lòng biết ơn đến an giám hiệu Trường Đại học Hà Nội, các thầy cô giáo của Nhà trường đã giúp đỡ, hợp tác và động viên cô làm việc và giảng dạy tại nhà Trường trong hơn chục năm qua.

Đặc biệt cô muốn gửi lời cảm ơn các bạn sinh viên mà cô đã giảng dạy. Đó là động lực to lớn đối với cô trong việc giảng dạy, nghiên cứu và trao đổi kiến thức khoa học trong lĩnh vực kinh tế thương mại và du lịch.

Cô cũng chân thành cảm ơn Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đã đánh giá cao những kết quả làm việc của cô và đề nghị Nhà nước phong tặng cho cô chức danh cao quý này.
Cuối cùng là lời cảm ơn cô muốn dành cho bố mẹ, bạn bè và gia đình đã tạo điều kiện để cô có thể chuyên tâm học tập và nghiên cứu, phục vụ giảng dạy và các công việc khác được Nhà trường giao cho.

PV: Em được biết cô thành thạo cả 2 ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Pháp. Em rất tò mò muốn biết, cô có phải là dân chuyên ngữ không?
Cũng gần đúng như lời em nhận xét. Cô xuất phát là dân chuyên ngữ. Cấp ba cô học chuyên Anh tại Trường Chuyên ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhưng sau đó khi vào đại học cô lại chuyển hướng sang một lĩnh vực hoàn toàn khác. Cô học chuyên ngành công nghệ Dệt, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

PV: Cô có thể cho em biết, sau những bước ngoặt đầu tiên cô kể trên, những bước tiếp theo trên con đường chinh phục chức danh cao quý này là những gì?

Đó là cả một quá trình dài với nhiều công sức, sự cố gắng của bản thân, sự hỗ trợ của gia đình, đồng nghiệp cũng như của Nhà trường. Cô có thể tóm tắt cho em hiểu thế này.
Từ năm 1997 đến 1999, cô học thêm cử nhân chuyên ngành Tài chính tại trường Ecole HEC (Pháp). Năm 1999 – 2000 cô học thạc sĩ ngành Tài chính tại Đại học Paris Dauphine (Pháp).210409 PGS DTT Binh_14Sau khi hoàn thành khóa thạc sĩ ngành Tài chính tại Đại học Paris dauphine, năm 2000 – 2001 cô học tiếp một bằng thạc sĩ Delta với nghiên cứu và chính sách Kinh tế - Trường EHESS. Từ tháng 3/2002 đến tháng 5/2005, cô học tiến sĩ ngành tài chính tại Đại học Paris Dauphine (Pháp).

Trong quá học tập và công tác, đến nay cô cũng đã xuất bản 5 đầu sách bằng tiếng Anh. Với các nghiên cứu khoa học khác, đến nay cô cũng đã có hơn 40 bài báo khoa học trong nước và quốc tế; Các bài viết tham gia tại các Hội thảo bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Hầu hết các bài viết, đề tài cô làm đều liên quan tới lĩnh vực tài chính.

Các vị trí công việc mình từng làm qua như: Điều phối viên Azek cho dự án Seco - SSC: Các khoá đào tạo và thi chứng chỉ CIIA (Chứng nhận phân tích đầu tư Quốc tế); chuyên gia dự án: Chiến lược Ngân hàng Việt Nam, SECO – Ngân hàng Nhà nước; Ngân hàng Societe Generale Paris, Phòng IPO hay công ty Bảo hiểm AGF Paris, Phòng rủi ro Tín dụng, Tài chính và Ngân hàng...

PV: Cô có thể cho biết một số công trình nghiên cứu khoa học mà cô đã tham gia được không?
Cô đã có 7 bài báo quốc tế trong đó có 01 bài ISI; 04 bài Scopus. Ngoài ra cô có 34 bài báo trong nước bằng tiếng Anh và tiếng Việt chủ yếu đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Tạp chí Khoa học Thương mại, Tạp chí Kinh tế phát triển...

210409 PGS DTT Binh_10

Về viết sách thì cô có 06 đầu sách. Trong đó có một ấn phẩm do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản; 03 ấn phẩm do Nhà xuất bản học thuật LAP LAMBERT phát hành; 01 đầu sách hướng dẫn cho môn Quản trị Ngân hàng - Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, Đại học Hà Nội. Cuối cùng là Luận án Tiến sĩ, Đại học Dauphine.

 

PV: Dành cả tuổi thanh xuân để đi học là có thật cô nhỉ. Khi học tại một môi trường như thế cô có gặp khó khăn gì không?
Khi mới bắt đầu sang đi học thì cô cũng chỉ thấy hơi khó khăn một chút. Nhưng sau đó vì trường học quá đẹp nên giờ học nào cô cũng rất hào hứng và thích thú, nhất là những giờ được thầy giáo cho học trên bãi cỏ tuyệt đẹp ở Đại học HEC Paris.

PV: Học tập và làm việc tại những ngôi trường và môi trường làm việc có thể nói là đứng vào top đầu ở nước Pháp nhưng cô lại quyết định chọn về Việt Nam công tác. Trường Đại học Hà Nội có phải là sự lựa chọn đầu tiên của cô?
Không em ạ. Khi mới về Việt Nam, cô làm việc tại Khoa Quốc tế Đại học Quốc gia Hà Nội. Cô phụ trách giảng dạy môn Toán cao cấp tài chính, Kinh tế Vi mô, Lý thuyết trò chơi, Xác suất và thống kê, Phân tích Tài chính... Tháng 3/2007 cô được thầy Nguyễn Xuân Vang, Hiệu trưởng Nhà trường lúc bấy giớ mời về làm việc tại Khoa Quản trị Kinh doanh và Du lịch, Trường Đại học Hà Nội. Và cô gắn bó với Trường từ ngày đó cho đến bây giờ.

PV: Cô có thể chia sẻ với các nhà nghiên cứu trẻ, đặc biệt là các nhà nghiên cứu nữ những thuận lợi, khó khăn cũng như bí quyết để khắc phục được những khó khăn đó và cống hiến rất nhiều ấn phẩm như vậy?
Làm NCKH là tìm ra một điều gì mới mẻ, không chỉ ở trong nước mà trên thế giới cho nên khi NCKH là 1 công việc khó khăn. Trước hết là phải đọc, phải hiểu, phải tổng hợp về một vấn đề chuyên sâu nào đó để tìm ra những điểm còn tồn tại và vướng mắc, từ đó mà tìm ra một phương án giải quyết hợp lý nhất hoặc đưa ra những câu trả lời mang tính lý luận và thực tiễn nhất có thể được đông đảo các nhà khoa học trong lĩnh vực đó chấp nhận.

Đối với các nước phát triển, các nhà khoa học, các giáo sư, họ có thể cập nhật những tiến bộ KHCN, những kết quả NCKH trên thế giới rất nhanh có thể là hàng tháng, hoặc quý. Còn ở ta thì chậm hơn rất nhiều, do vậy hiểu được “cái cũ” của họ đã khó chưa kể là việc tìm ra “cái mới”. Do vậy, NCKH của ta để tìm ra được cái mới là thật sự khó khăn. Đây là khó khăn chung mà ai làm NCKH cũng đều gặp phải.

Riêng với phụ nữ thì như các bạn đều biết, phụ nữ ngoài công việc chuyên môn hàng ngày còn gánh trách nhiệm nuôi dạy con cái, chăm sóc sức khỏe cho cả gia đình từ ăn, mặc, ở cho đến công việc hàng ngày đã mệt mỏi rồi, phải quyết tâm rất rất nhiều mới có thời gian đọc sách và NCKH.

Khi cô bắt đầu nghiên cứu khoa học, làm luận án tiến sĩ, cô đã từng cảm thấy rất hoang mang. Bởi vì không biết bắt đầu từ đâu, biết đọc bao nhiêu sách là đủ. Trong khi nhìn thấy những công trình nghiên cứu của những người đi trước thì cô thấy quá lớn. Nhưng sau đó cô vừa làm vừa tìm tòi, học hỏi và nhận ra một điều: Không có gì khó, chỉ cần có sự quyết tâm. Cho đến bây giờ điều đó cô vẫn thấy đúng trong mọi việc. Vì vậy khi triển khai bất kì hoạt động nào, cô cũng đã làm việc với một tinh thần như thế. Gặp bất kì vấn đề gì, có thể dù ban đầu khó khăn đến đâu nhưng khi cô quyết tâm làm, làm việc một cách bền bỉ thì sau đó đều giải quyết được vấn đề và thu được kết quả xứng đáng với sự nỗ lực, quyết tâm của mình.

PV: Quả thật, làm nghiên cứu khoa học là một con đường không phải trải hoa hồng cho mọi người khi bước vào. Động lực nào giúp cô tự tin chinh phục con đường đó?
Khi còn học ở nước ngoài, cô nhớ một vị giáo sư đã từng nói với cô rằng: nếu làm giảng dạy mà trong một vài năm không có công trình NCKH hoặc không có một điều gì mới mẻ trong công việc thì nên chuyển sang làm công việc khác chứ không nên giảng dạy.

Vì vậy, cô thấy mình có trách nhiệm là phải luôn tìm tòi, nghiên cứu những vấn đề đặt ra trong quá trình giảng dạy để vừa phục vụ cho hoạt động giảng dạy của mình tốt hơn vừa phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học của Nhà trường ngày càng phát triển. Nên có thể nói động lực lớn nhất là tình yêu nghề trong cô.

PV: Cô có thể chia sẻ với các thầy, cô thế hệ trẻ về những tiêu chí đó cũng như đưa ra lời khuyên để các thầy, cô phấn đấu trong sự nghiệp nghiên cứu và đạt được danh hiệu như cô không?
Đối với các bạn trẻ đang học tập công tác và có mong muốn dành được những chức danh cao quý, cô cho rằng đó là những mong muốn rất đúng đắn và rất đáng trân trọng. Từ kinh nghiệm thực tiễn của bản thân, cô cho rằng các bạn cần làm việc, nghiên cứu một cách nghiêm túc, phải nắm bắt những kiến thức khoa học, công nghệ nền tảng trong lĩnh vực mình đang nghiên cứu không chỉ trong nước mà trên toàn thế giới để tích lũy và bổ sung cho mình những kiến thức mới; từ đó mà có tư duy mới, sáng tạo nên những tư duy mới phục vụ cho công việc hằng ngày cho đất nước và nhân dân.

Còn về những tiêu chí để được phong tặng chức danh Phó Giáo sư thì các bạn có thể tham khảo tại Điều 6, Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ngày 31/08/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Tóm tắt sơ lược thì ứng viên phải có các tiêu chí như:
- Có bằng tiến sĩ đủ 03 năm trở lên kể từ ngày ký quyết định cấp bằng tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ;
- Có ít nhất 06 năm, trong đó phải có 03 năm cuối liên tục tham gia đào tạo, bồi dưỡng từ trình độ đại học trở lên tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ;
- Công bố kết quả nghiên cứu khoa học được ít nhất 03 bài báo khoa học;
- Chủ trì thực hiện ít nhất 02 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở hoặc 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ đã nghiệm thu kết quả từ đạt yêu cầu trở lên;
- Hướng dẫn ít nhất 02 học viên được cấp bằng thạc sĩ hoặc hướng dẫn chính hoặc phụ ít nhất 01 nghiên cứu sinh được cấp bằng tiến sĩ;
- Phải có ít nhất 10,0 điểm công trình khoa học quy đổi.

PV: Cuối cùng là theo cô thì Nhà trường cần làm gì để khuyến khích các giảng viên nói chung và giảng viên là nữ nói riêng làm NCKH?
Theo cô, để khuyến khích hoạt động NCKH phát triển, Nhà trường cần có cơ chế khuyến khích giảng viên đọc sách, tổng hợp, nghiên cứu sâu vào công việc của mình để ngày càng có trình độ cao hơn chẳng hạn như viết bài cho các tạp chí trong nước và ngoài nước.

Thứ hai là khuyến khích tinh thần tự học, tự nghiên cứu tình hình KH của lĩnh vực mình phụ trách trong nước và thế giới để tìm ra những đề tài NCKH có tác dụng thiết thực cho đất nước.
Cuối cùng là cần có cơ chế khuyến khích đúng mức tạo điều kiện cho giảng viên NCKH. Riêng đối giảng viên là nữ giới, do đặc thù còn đóng vai trò làm mẹ, làm vợ nên Nhà trường đặc biệt nên quan tâm giúp đỡ các cô nhiều hơn về thời gian, giảm bớt số giờ giảng dạy để các cô có thời gian NCKH.

PV: Em xin cảm ơn cô về cuộc trò chuyện rất thú vị ngày hôm nay. Từ những chia sẻ của cô, em tin rằng các nhà nghiên cứu trẻ có thể định hướng được tốt hơn trên con đường học thuật của mình. Em chúc cô ngày càng có thêm nhiều công trình nghiên cứu để cống hiến cho sự phát triển của Khoa Quản trị Kinh doanh và Du lịch nơi cô đang giảng dạy cũng như cống hiến vào sự phát triển chung cho đất nước ở lĩnh vực mà cô đang nghiên cứu.

Dưới đây là những hình ảnh tại Lễ bổ nhiệm.

210409 PGS DTT Binh 01

210409 PGS DTT Binh 02

210409 PGS DTT Binh 03

210409 PGS DTT Binh 04

210409 PGS DTT Binh 05

210409 PGS DTT Binh 06

210409 PGS DTT Binh 07

210409 PGS DTT Binh 08

210409 PGS DTT Binh 09