logo
EN
VN

Nhận xét về đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2009 - môn tiếng Nga

Kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng năm 2009 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức theo hình thức “3 chung” đã kết thúc vào trung tuần tháng 7 vừa qua. Đọc lại đề thi và đáp án đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức đưa lên Cổng thông tin thi và tuyển sinh (http://ts.edu.net.vn), chúng tôi có một vài nhận xét nhằm rút kinh nghiệm trong công tác ra đề thi trắc nghiệm, không chỉ cho những kỳ thi lớn ở cấp quốc gia, mà còn cho cả những kỳ thi, những bài kiểm tra ở cấp cơ sở.

PHẦN I: Đề thi tuyển sinh Cao đẳng năm 2009; Môn: Tiếng Nga; Khối: D – Mã đề thi 164

I.1. Bàn về các dấu câu:

«Что случилось?», - заволновалась девушка. «Вот, передайте своей подруге!», - шофёр протянул девушке сумку. (tr.3, dòng thứ 4 từ trên xuống)

Trong tiếng Nga sau những lời thoại trực tiếp được để trong ngoặc kép (“…”) không có dấu phảy (,).

I.2. Bàn về trật tự từ trong câu:

Các câu số 52 và 53 có trật tự từ không phù hợp với quy tắc ngữ pháp tiếng Nga. Cụ thể:
Câu 52: Что шофёр увидел в сумке?
Câu 53: Что шофёр такси решил сделать...?
Quy tắc của ngữ pháp tiếng Nga khi đặt câu hỏi có từ nghi vấn: a) Nếu chủ ngữ là danh từ/cụm danh từ thì chủ ngữ đứng sau động từ làm vị ngữ; b) Nếu chủ ngữ là đại từ nhân xưng thì chủ ngữ đứng trước động từ làm vị ngữ.
Tuân thủ quy tắc này thì danh từ/cụm danh từ làm chủ ngữ trong các câu 52 và 53 nên đặt ra sau động từ làm vị ngữ.
Tất nhiên, những sơ suất trên không ảnh hưởng đến kết quả làm bài của thí sinh. Nhưng thiết nghĩ, nếu chỉnh sửa được thì đề thi sẽ đẹp hơn về hình thức, phù hợp với ngữ pháp tiếng Nga hơn.

I.3. Bàn về nội dung

I.3.1. Câu số 4 của đề thi có 2 đáp án đúng.

Yêu cầu của câu: Xác định từ/cụm từ được gạch dưới (ứng với A hoặc B, C, D) cần phải sửa.
Я часто получаю электронные письма из близкой подруги.
A B C D
Đáp án được công bố trên mạng là C. Lý do đáp án được chọn là C vì khi mặc định D là đúng thì đi với danh từ động vật phải dùng giới từ от chứ không phải из.

Tuy nhiên, thí sinh chọn phương án D cũng hoàn toàn đúng vì khi mặc định C là đúng thì ta chữa phương án D bằng một danh từ bất động vật, chẳng hạn như страны/деревни... là được một câu có nghĩa và đúng ngữ pháp.

I.3.2. Câu 27: На столе лежит фотография, ......... автор молодой фотограф.
A. чья B. которая C. чей D. которого
Đáp án được công bố là C.

Đây là một câu sai ngữ pháp tiếng Nga vì mệnh đề phụ có từ чей (чей автор молодой фотограф) chỉ có thể bổ nghĩa cho danh từ động vật ở mệnh đề chính. Vậy mà, danh từ cần bổ nghĩa ở mệnh đề chính của câu trong Đề thi lại là một danh từ bất động vật – фотография (bức ảnh). Trong những trường hợp mà danh từ cần được bổ nghĩa ở mệnh đề chính là danh từ bất động vật (như câu trong đề thi) thì người Nga sẽ chỉ dùng mệnh đề phụ có который: На столе лежит фотография, автор которой молодой фотограф.

PHẦN II: Đề thi tuyển sinh Đại học năm 2009; Môn: Tiếng Nga; Khối: D – Mã đề thi 136

II.1. Bàn về các dấu câu:

- Мама, что ты сделала с чаем?, - спросил он. (Trang 1, bài khoá 1, dòng thứ 9 từ trên xuống)
- Знаем мы таких писателей!, - закричала старушка. (Trang 4, bài khoá cuối cùng, dòng thứ 10 từ trên xuống của bài khoá)
- Кто вы такой?, - спросил юношу милиционер. (Trang 4, bài khoá cuối cùng, dòng thứ 11 từ trên xuống của bài khoá)
- Бери, добрый человек!, - сказала она. (Trang 4, bài khoá cuối cùng, dòng thứ 2 từ dưới lên của bài khoá)
Trong tiếng Nga sau dấu chấm hỏi (?) và chấm than (!) trong các câu hội thoại không có dấu phảy (,)

II.2. Bàn về nội dung: Câu số 31 và câu số 43 có 2 đáp án đúng trong số 4 phương án cho trước để lựa chọn.

Câu số 31: Нельзя перевести эту статью ......... словаря.
A. без B. из C. от D. с
Phương án A và B đều đúng khi lựa chọn.

Cần biết rằng từ статья trong tiếng Nga có 2 nghĩa: a) bài báo; và b) mục từ (trong từ điển). Do vậy:
Nếu chọn phương án A (như trong đáp án đề thi) thì được câu đại ý là: Không thể dịch được bài báo này khi/nếu không có từ điển.

Nếu chọn phương án B thì được câu đại ý là: Không thể dịch được mục từ này trong từ điển.

Câu số 43: ......... на вопросы учителя, Антон сел на своё место.
A. Ответив B. Ответила C. Отвечать D. Отвечая
Phương án A và D đều đúng khi lựa chọn.

Nếu chọn phương án A (như trong đáp án đề thi) thì được một câu phức có hai hành động ở 2 mệnh đề diễn ra kế tiếp nhau. Câu đó sẽ được hiểu rằng: Sau khi trả lời xong các câu hỏi của thày giáo thì An-tôn ngồi xuống.

Nếu chọn phương án D thì được một câu phức với hành động ở mệnh đề phụ (mệnh đề có trạng động từ) là hành động chỉ quá trình và hành động ở mệnh đề chính xảy ra trùng với 1 thời điểm của hành động ở mệnh đề phụ. Như vậy ta có câu với nội dung: Trong lúc đang trả lời các câu hỏi của thày giáo thì An-tôn ngồi xuống. (Tình huống này vẫn thường xảy ra trong cuộc sống đời thường khi học sinh/một người nào đó đang đứng và trả lời/nói thì thày giáo/người nghe cho phép ngồi để trả lời/nói cũng được, không cần phải đứng. Và học sinh đã ngồi xuống trong lúc vẫn đang trả lời/nói).

Kết luận

Trong đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “10.000 câu trắc nghiệm tiếng Nga”, mã số B2007-26-02 do trường Đại học Hà Nội chủ trì (Đề tài đã được nghiệm thu tháng 12-2008) chúng tôi đã đề cập đến những lưu ý khi chế tác câu trắc nghiệm. Một trong những lưu ý đó là tránh để trong các phương án lựa chọn có 2 (hoặc nhiều hơn) phương án đúng. Khi bài được chấm bằng máy thì sự thiệt thòi, đương nhiên, sẽ thuộc về thí sinh chọn phải phương án đúng mà người thiết kế câu trắc nghiệm không lường được trong đáp án.

Với một số nhận xét sơ bộ như vậy về 2 đề thi tuyển sinh đại học và cao đẳng môn tiếng Nga năm 2009 chúng tôi hy vọng rằng từ nay những người thiết kế câu trắc nghiệm cho các bài thi và kiểm tra sẽ tránh được những sai sót không đáng có nói trên.

Trần Quang Bình