logo
EN
VN

Hanoi3CK

HanuTuchu

Logo-bo-gd-dt

2 ngành truyền thông “hot” đang đào tạo tại Trường Đại học Hà Nội

HANU - “Truyền thông” là cụm từ đã trở nên rất phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Và mặc định mọi người đều hiểu được một cách cơ bản về ý nghĩa truyền tải thông điệp, kết nối thông tin. Hiện nay, nghề truyền thông đang ngày càng trở nên hấp dẫn giới trẻ vì mức độ phổ biến và nguồn thu nhập mà nó mang lại. Sinh viên học truyền thông của Trường Đại học Hà Nội chỉ đến năm thứ 4 là đều đã có việc làm. Nhiều bạn biết có 2 ngành truyền thông đang được giảng dạy tại HANU nhưng có thể chưa biết rõ 2 ngành này khác nhau như thế nào. Hãy cùng tìm hiểu sự khác biệt giữa 2 ngành tại HANU nhé.

1. Thuộc 2 khoa khác nhau

* Truyền thông doanh nghiệp: thuộc Khoa tiếng Pháp

Truyền thông doanh nghiệp là tập hợp tất cả các hoạt động tuyên truyền, truyền tải thông tin xuất phát từ doanh nghiệp đến các đối tượng khác nhau như công chúng, khách hàng tiềm năng, đối tác... và nhân viên trong doanh nghiệp đó. Kiến thức và kỹ năng học được cũng có thể áp dụng cho truyền thông của các cơ quan, tổ chức.
Truyền thông doanh nghiệp có hai bộ phận chính tương ứng với hai mục đích khác nhau. Một là quảng bá hình ảnh, thương hiệu, hoặc các sản phẩm, dịch vụ thuộc sở hữu của công ty đó tới công chúng bên ngoài nhằm xây dựng mối quan hệ tin cậy giữa doanh nghiệp và công chúng. Hai là truyền tải thông điệp, thông tin chính thống từ phía đại diện doanh nghiệp tới chính toàn thể cán bộ nhân viên trong nội bộ nhằm xây dựng mối quan hệ gắn bó, gắn kết từng cá nhân vào bức tranh chung của tập thể.

* Truyền thông đa phương tiện: thuộc Khoa Công nghệ Thông tin

Đây là ngành học ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) trong việc sáng tạo, thiết kế và phát triển những sản phẩm, dịch vụ đa phương tiện và tương tác cho các lĩnh vực truyền thông (quảng cáo, truyền hình …), kinh doanh (marketing, thương mại điện tử …), giáo dục (đào tạo trực tuyến, thực tại ảo…), giải trí (trò chơi điện tử, phim, âm nhạc …). Ngành Truyền thông đa phương tiện có sự giao thoa kiến thức của nhiều lĩnh vực như Công nghệ thông tin, Mỹ thuật, Truyền thông, Marketing…

210322 2 nganh TT hot_3

2. Ngôn ngữ giảng dạy khác nhau

* Truyền thông doanh nghiệp được giảng dạy bằng tiếng Pháp, xét tuyển tổ hợp D01 (Văn, Toán, tiếng Anh) hoặc D03 (Văn, Toán, tiếng Pháp), môn ngoại ngữ tiếng Anh hoặc tiếng Pháp nhân hệ số 2. Sinh viên sẽ có 01 năm đầu tiên được đào tạo tiếng Pháp để đủ khả năng đáp ứng yêu cầu học chuyên ngành bằng tiếng Pháp từ năm thứ hai trở đi. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể sử dụng thành thạo 2 ngoại ngữ, đạt trình độ B2 tiếng Pháp và B1 tiếng Anh.

* Truyền thông đa phương tiện được giảng dạy bằng tiếng Anh, xét tuyển tổ hợp D01 (Văn, Toán, tiếng Anh), môn tiếng Anh không nhân hệ số 2. Sinh viên được học tiếng Anh trong 01 năm đầu tiên để đủ trình độ học lên chuyên ngành. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đạt năng lực tiếng Anh bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (tương đương B2), có khả năng học tập và làm việc trong môi trường giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Anh.

210322 2 nganh TT hot_2

3. Chương trình đào tạo

Chương trình đào tạo ngành Truyền thông doanh nghiệp và ngành Truyền thông đa phương tiện đều có tổng số 151 tín chỉ và một số môn học giống nhau như: Tâm lý học truyền thông, Phương tiện truyền thông đại chúng, Quan hệ công chúng, Truyền thông hình ảnh... còn lại mỗi ngành có những môn học chuyên biệt riêng như:

* Truyền thông doanh nghiệp có 2 định hướng: Định hướng Truyền thông tiếp thị và Định hướng Quan hệ công chúng với các môn như: Lịch sử truyền thông đại chúng, Lý thuyết Tổ chức và Doanh nghiệp, Lý thuyết Truyền thông, Pháp luật và Đạo đức nghề nghiệp, Kỹ năng truyền thông bằng văn bản, Kỹ năng truyền thông bằng lời nói,Truyền thông liên văn hoá, Phương pháp nghiên cứu khoa học trong truyền thông, Truyền thông tiếp thị, Truyền thông doanh nghiệp, Truyền thông điện tử, Xu hướng truyền thông hiện đại, Thiết kế và sản xuất sản phẩm truyền thông cơ bản, Thiết kế và sản xuất sản phẩm truyền thông nâng cao, Tiếp thị trực tuyến, Quảng cáo và sáng tạo quảng cáo, Truyền thông nội bộ, Truyền thông sự kiện, Quản trị vấn đề và xử lý khủng hoảng truyền thông, Xây dựng và phát triển thương hiệu.

* Truyền thông đa phương tiện có các môn như: Quản lý dự án, Lập trình, Nguyên lý Marketing, Nghiên cứu Marketing, Trí tuệ nhân tạo, Nhập môn an toàn thông tin, Hành vi khách hàng, Marketing dịch vụ và quản trị quan hệ khách hàng, Phân tích thiết kế hệ thống, Cơ sở dữ liệu, Chuyên đề truyền thông đa phương tiện, Đồ họa máy tính, Lập trình Web, Internet và dịch vụ web, Đa phương tiện, Khai phá dữ liệu lớn, Tương tác người – máy, Lập trình cho thiết bị di động, Hệ thống thông tin doanh nghiệp, Kinh doanh điện tử, Quảng cáo và Sáng tạo quảng cáo, Marketing kỹ thuật số và Mạng xã hội, Marketing toàn cầu, Xây dựng và quản trị thương hiệu...
Các môn học của Truyền thông đa phương tiện sẽ liên quan ít nhiều tới khoa học máy tính, có cả lập trình, trí tuệ nhân tạo... nên nếu các em thấy có thiên hướng với công nghệ thông tin thì theo ngành này là phù hợp.

210322 2 nganh TT hot_1

4. Những vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp

* Truyền thông doanh nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp có thể đảm nhận công việc trong nhiều lĩnh vực: Truyền thông (trưởng bộ phận truyền thông, cán bộ phụ trách quan hệ báo chí, quan hệ công chúng, truyền thông nội bộ, vận động hành lang hoặc chuyên viên các hãng truyền thông...); Doanh nghiệp (nhân viên marketing, chuyên viên xây dựng và quảng bá thương hiệu, tổ chức sự kiện, quản lý nhãn hàng, quản lý khủng hoảng, phụ trách đối ngoại...); Báo chí (phóng viên báo viết, báo mạng, quản trị nội dung...)

* Truyền thông đa phương tiện: Sau khi tốt nghiệp, người học có thể đảm nhận các công việc như: Cán bộ kỹ thuật, quản lý, điều hành trong lĩnh vực quảng cáo, truyền thông và tổ chức sự kiện; Chuyên viên lập trình, phát triển ứng dụng, thiết kế, biên tập và triển khai các sản phẩm, dịch vụ đa phương tiện; Tham gia vào các dự án với vai trò là người quản trị dự án về công nghệ thông tin và truyền thông; Cán bộ nghiên cứu, giảng dạy về quảng cáo và truyền thông tại các Viện, Trung tâm nghiên cứu và các cơ sở đào tạo...

5. Khả năng đi học trao đổi

Do chính sách của Khối Pháp ngữ, sinh viên ngành Truyền thông doanh nghiệp học bằng tiếng Pháp có cơ hội nhận học bổng để đi học trao đổi 1 năm học tại Canada (khoảng 8-10 học bổng/năm) hoặc đi học trao đổi tự túc học phí tại Pháp.
Như vậy, qua bài viết ngắn trên phần nào giúp các em phân biệt được sự khác nhau giữa 2 ngành truyền thông đang được giảng dạy tại Trường Đại học Hà Nội. Từ đó, dựa trên năng lực, sở trường và sở thích của mình, các em có thể lựa chọn được ngành học phù hợp. Cơ hội việc làm của ngành này đang rất rộng mở, đặc biệt là khi các em học chuyên ngành bằng ngoại ngữ. HANU chờ đón các em. 

HANU brings you to the world!

210322 2 nganh TT hot_4