logo
EN
VN

MỤC TIÊU ĐÀO TẠO VÀ CHUẨN ĐẦU RA – NGÀNH NGÔN NGỮ ĐỨC

1.1. Mục tiêu chung:
Chương trình đào tạo (CTĐT) trình độ đại học hệ chính quy ngành ngôn ngữ Đức của Trường Đại học Hà Nội đào tạo cử nhân Ngôn ngữ Đức có các kiến thức cơ bản về ngôn ngữ học, đất nước học Đức và các nước nói tiếng Đức; có năng lực nghề nghiệp cao, vận dụng chính xác và sáng tạo trong lĩnh vực Biên-Phiên dịch và Phương pháp giảng dạy tiếng Đức; có năng lực chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp tốt, trên cơ sở được trang bị những tri thức khoa học có hệ thống và hiện đại; đảm bảo sức khoẻ học tập; hiểu biết về đường lối quân sự và nhiệm vụ quốc phòng-an ninh của Đảng và Nhà nước trong tình hình mới; có phẩm chất chính trị vững vàng, thái độ và đạo đức phù hợp để làm việc trong môi trường đa ngôn ngữ, đa văn hóa; có khả năng thích ứng cao với những thay đổi nhanh chóng của thời đại khoa học công nghệ và toàn cầu hóa.

1.2.Mục tiêu cụ thể:
Chương trình đào tạo trình độ đại học hệ chính quy ngành Ngôn ngữ Đức với hai định hướng Biên-Phiên dịch và Phương pháp giảng dạy tiếng Đức nhằm đào tạo người học hình thành các năng lực cụ thể như sau:
MT1:Có kiến thức tốt về ngôn ngữ Đức, sử dụng thành thạo tiếng Đức đạt bậc 5 theo KNLNN 6 bậc dùng cho Việt Nam;
MT2: Có hiểu biết cơ bản về lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội và văn học Đức cũng như các nước nói tiếng Đức để nhanh chóng thích nghi với môi trường đa văn hóa;
MT3:Có thể sử dụng một ngoại ngữ 2 đạt bậc 3 theo KNLNN 6 bậc dùng cho Việt Nam;
MT4:Vận dụng được các kiến thức cơ bản trong các lĩnh vực: ngôn ngữ học, văn học Đức (và văn học các nước nói tiếng Đức; Biên-Phiên dịch Đức-Việt và Phương pháp giảng dạy tiếng Đức;
MT5:Vận dụng được các kiến thức về công nghệ thông tin trong công việc chuyên môn, đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của thời đại khoa học công nghệ 4.0;
MT6:Phát triển năng lực nghiên cứu khoa học, năng lực tự học, tạo tiền đề cho việc học tập, nghiên cứu chuyên sâu ở bậc học cao hơn về ngành Ngôn ngữ Đức, tích lũy những phẩm chất và kỹ năng cá nhân và nghề nghiệp quan trọng để trở thành các chuyên gia trong lĩnh vực Ngôn ngữ học, Dịch thuật và Phương pháp giảng dạy tiếng Đức, các nhà quản lý, lãnh đạo trong lĩnh vực chuyên môn;
MT7:Có thể chất tốt, tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp phù hợp;
MT8: Có kiến thức cơ bản về văn hóa Việt Nam, về ngôn ngữ học và lý thuyết tiếng Việt để phục vụ việc học tập và nghiên cứu ngoại ngữ và các công việc chuyên môn.
2. Chuẩn đầu ra
2.1 Kiến thức
Người học CTĐT ngành Ngôn ngữ Đức sau khi tốt nghiệp có thể:
Kiến thức chung
KT1: Trình bày được những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng, đạo đức, giá trị văn hóa Hồ Chí Minh, những nội dung cơ bản của đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam;
KT2: Vận dụng kiến thức khoa học thể dục thể thao cơ bản để tập luyện và tự rèn luyện nhằm củng cố và tăng cường sức khỏe, đề phòng chấn thương;
KT3: Xác định đường lối quân sự và nhiệm vụ công tác quốc phòng-an ninh của Đảng, Nhà nước trong tình hình mới có liên hệ với điều kiện tác chiến thông thường;
KT4: Sử dụng tốt một ngoại ngữ 2 (là một trong các ngôn ngữ đang đào tạo tại trường Đại học Hà Nội) đạt bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;
KT5: Ứng dụng kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin ứng dụng trong học tập, nghiên cứu và công tác chuyên môn.
Kiến thức cơ sở ngành
KT6: Trình bày được kiến thức về văn hóa nhận thức và văn hóa tổ chức đời sống của người Việt, ý thức và trách nhiệm đối với di sản văn hóa dân tộc và gìn giữ văn hóa truyền thống Việt Nam; kiến thức văn hóa, văn minh nhân loại;
KT7: Phân biệt các quan điểm, trường phái về bản chất, chức năng, nguồn gốc và sự phát triển của ngôn ngữ; chỉ ra các vấn đề về lý thuyết tiếng Việt để phục vụ việc học ngoại ngữ và các công việc chuyên môn, nghề nghiệp.
Kiến thức ngành
KT8: Vận dụng kiến thức thực hành tiếng để phục vụ cho các hoạt động trong giao tiếp hàng ngày cũng như trong chuyên môn;
KT9: Trình bày được kiến thức cơ bản về ngôn ngữ học Đức (ngữ âm, hình vị học, cú pháp học, ngữ dụng học v.v.) và về văn học Đức (và các nước nói tiếng Đức);
KT10: Khái quát hóa kiến thức về lịch sử, văn hóa, xã hội, đất nước và con người Đức, phân tích được những nét tương đồng và khác biệt trong giao tiếp liên văn hóa Đức-Việt để từ đó có thể tác nghiệp thành công trong môi trường đa văn hóa, hỗ trợ tích cực cho công tác Biên – Phiên dịch hoặc Giảng dạy tiếng Đức và các công việc khác liên quan.
KT11: Phân biệt được những bước cơ bản và những quy định liên quan đến đạo đức của người nghiên cứu khi triển khai một đề tài nghiên cứu khoa học và vận dụng những hiểu biết này trong học tập và trong công việc chuyên môn.
Kiến thức định hướng Biên – Phiên dịch (a)
KT12a: Trình bày kiến thức cơ bản về lý thuyết dịch, các kiến thức liên quan đến hoạt động biên -phiên dịch, trong đó có các chuẩn đạo đức nghề nghiệp;
KT13a: Vận dụng kiến thức về biên dịch và phiên dịch để tác nghiệp trong các lĩnh vực chuyên ngành chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, kỹ thuật và du lịch.
Kiến thức định hướng Phương pháp giảng dạy tiếng Đức (b)
KT12b: Trình bày được kiến thức cơ bản về phương pháp giảng dạy tiếng Đức (kiến thức ngôn ngữ, kỹ năng và kiến thức đất nước học, kiểm tra, đánh giá, thiết kế học liệu v.v.) và về các chuẩn đạo đức nghề giáo viên;
KT13b: Vận dụng kiến thức về phương pháp giảng dạy tiếng Đức để tác nghiệp trong các lĩnh vực liên quan.
Thực tập và khóa luận tốt nghiệp
KT14: Vận dụng và kết hợp các kiến thức được tích lũy trong quá trình học vào công việc thực tiễn tại các cơ sở tiếp nhận thực tập, đồng thời phát triển các kiến thức khác trong các lĩnh vực như Biên-Phiên dịch, Giảng dạy tiếng Đức, Nghiên cứu ngôn ngữ Đức;
KT15: So sánh kiến thức được học với kiến thức thực tiễn để tiến hành và hoàn thành một đề tài nghiên cứu thuộc nhóm ngành đào tạo dưới sự định hướng của giảng viên hướng dẫn; hình thành các kiến thức chuyên môn chuyên sâu và khả năng phân tích, thống kê, đánh giá, tư duy phản biện.
2.2 Kỹ năng
CTĐT trình độ đại học hệ chính quy ngành Ngôn ngữ Đức đào tạo người học hình thành các kỹ năng sau:
KN1: Khả năng giao tiếp tốt, trình bày quan điểm và thuyết phục người khác; khả năng làm việc độc lập và làm việc nhóm;
KN2: Hình thành tư duy độc lập và phản biện, thích nghi với môi trường quốc tế; chủ động tìm tòi sáng tạo, phát hiện và giải quyết các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực chuyên môn;
Ngoài ra, CTĐT trình độ đại học ngành Ngôn ngữ Đức còn giúp người học hình thành các kỹ năng cụ thể sau:
Kỹ năng nghề nghiệp
Người học sử dụng tiếng Đức ở bậc 5 theo Khung NLNN 6 bậc dùng cho Việt Nam, cụ thể như sau:
KN3: (Nghe) Nhận biết và ghi nhớ tốt các nội dung nghe liên quan đến nhiều lĩnh vực trong đời sống, trong đó có lượng từ vựng phong phú, cấu trúc câu từ đơn giản đến phức tạp được diễn đạt bằng tiếng Đức, đặc biệt những nội dung tin tức, bài phát biểu, bài thuyết trình về các lĩnh vực khoa học-kỹ thuật khác nhau, bài giảng các học phần thuộc khối kiến thức ngành;
KN4: (Nói) Sử dụng chính xác tiếng Đức trong các hoạt động giao tiếp xã hội; diễn đạt một cách một cách trôi chảy, tự nhiên, làm chủ được vốn từ vựng và có thể dễ dàng biến báo trong những tình huống quanh co; có khả năng thuyết trình độc lập tốt hoặc tiến hành thảo luận, biện luận theo nhóm;
KN5: (Đọc) Hình thành kỹ năng đọc lướt, đọc kỹ, đọc tốc độ nhanh, hiểu tường tận nhiều loại văn bản thuộc các loại hình văn bản khác nhau thường gặp trong đời sống xã hội, trong môi trường công việc hay học thuật,nắm bắt chính xác, rõ ràng các thông tin về các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục, công nghệ, giải trí, văn hóa, du lịch, có khối lượng từ vựng phong phú;
KN6: (Viết) Sử dụng đúng từ ngữ, cấu trúc câu từ cấp độ đơn giản đến phức tạp để diễn đạt thông tin cần truyền tải một cách rõ ràng, có logic; vận dụng đúng các phong cách ngôn ngữ viết khác nhau; trình bày tốt các loại hình văn bản thông thường trong đời sống hàng ngày cũng như các văn bản mang tính chuyên môn như: bài báo, thư tín thương mại, hợp đồng, báo cáo v.v...;
KN7: Phát triển kỹ năng ghi nhớ, truyền tải thông tin thông qua việc nói, viết, một cách chính xác, rõ ràng; phán đoán, đánh giá tình huống, kiểm soát ngôn từ, đưa ra các phát ngôn hợp lý, giải quyết linh hoạt các tình huống phát sinh nhằm đạt được các mục đích giao tiếp khác nhau;
KN8: Vận dụng và tuân thủ các quy tắc nghề nghiệp và đạo đức nghề nghiệp; vận dụng linh hoạt, sáng tạo những kiến thức lý thuyết vào hoạt động nghề nghiệp thực tiễn, thích nghi tốt với sự đa dạng của môi trường làm việc, đặc biệt trong môi trường giao tiếp liên văn hóa;ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong công việc chuyên môn.
Kỹ năng chuyên môn bổ trợ
KN9: Khả năng vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh để xác định phương pháp luận và các phương pháp nghiên cứu cụ thể để nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn đất nước, từ đó hình thành tư duy duy vật biện chứng logic, có hệ thống khi tiếp cận và xử lý các vấn đề cụ thể, từ đó hiểu rõ quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, thực hiện nghiêm túc để đóng góp cho đất nước và sự nghiệp phát triển chung;
KN10: Thể hiện sự hiểu biết xã hội, thích ứng nhanh với sự thay đổi của kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế; thông qua khả năng tự học, tự đánh giá, người học tạo ra chiến lược, kế hoạch, mục tiêu và văn hóa của tổ chức để làm việc thành công; thích ứng nhanh với sự thay đổi của môi trường hiện đại trong và ngoài nước.
Kỹ năng mềm
KN11: Có khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ tốt; tiếp nhận và truyền tải thông tin, chuyển giao kiến thức một cách chính xác, có hiệu quả;
KN12: Sắp xếp và quản lý tốt thời gian; có năng lực làm việc độc lập hoặc làm việc nhóm; có khả năng lãnh đạo và điều phối để nhóm làm việc đạt hiệu quả cao;
KN13: Sử dụng được các công cụ tin học như các phần mềm văn phòng Microsoft Office, các phần mềm phục vụ công tác chuyên môn (Endnote, EView, SPSS...); sử dụng thành thạo Internet để khai thác tài liệu, thông tin.
2.3 Thái độ
TĐ1: Có tinh thần tự hào dân tộc, quý trọng giá trị văn hóa Việt Nam, đồng thời tôn trọng, cởi mở đối với tôn giáo, tập quán văn hóa và triết lý của các nền văn hóa khác;
TĐ3: Có tác phong làm việc khoa học, chuyên nghiệp, luôn coi trọng đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần học hỏi cầu tiến, có trách nhiệm cao với công việc;
TĐ2: Có tinh thần chủ động, say mê sáng tạo trong công việc và trong cuộc sống; có khả năng thích ứng cao với hoàn cảnh và điều kiện, môi trường làm việc; có ý thức học hỏi, không ngừng trau dồi năng lực và có khát vọng vượt khó, vươn lên để thành đạt.
2.4. Vị trí công việc có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp
Sau khi tốt nghiệp CTĐT trình độ đại học ngành Ngôn ngữ Đức, người học có thể đảm nhận những công việc như sau:
Nhóm 1 – Biên-Phiên dịch: có khả năng làm việc độc lập với tư cách là một biên dịch viên, phiên dịch viên, đáp ứng được nhu cầu giao tiếp liên văn hóa tại các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức nhà nước hoặc tư nhân trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị xã hội, khoa học công nghệ, kỹ thuật và đời sống; có thể đảm nhiệm công việc của biên tập viên tại các nhà xuất bản có xuất bản phẩm là tiếng Đức, chuyên gia hiệu đính bản tin các chương trình thời sự, văn hóa của các cơ quan thông tấn, thư ký, trợ lý dự án trong các doanh nghiệp có sử dụng tiếng Đức;
Nhóm 2 – Giáo viên tiếng Đức: có thể làm giáo viên tiếng Đức tại các cơ sở giảng dạy ngoại ngữ trong nước hoặc ở nước ngoài, ví dụ tại các trường phổ thông, các trung tâm tiếng Đức, các trường đại học có khoa tiếng Đức;
Nhóm 3 – Nghiên cứu viên: có thể bước đầu làm cán bộ nghiên cứu về khoa học giảng dạy ngoại ngữ, về ngôn ngữ, văn học và văn hóa Đức, về chuyên ngành Biên-Phiên dịch tại các trường đại học hoặc các viện nghiên cứu.