logo
EN
VN

Mục tiêu đào tạo và chuẩn đầu ra – Ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành

Mục tiêu đào tạo
Đào tạo cử nhân ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành có:
-    Phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khỏe tốt; thái độ làm việc trách nhiệm, độc lập và hòa đồng với tập thể; yêu nước và tự hào dân tộc; có khả năng làm việc trong môi trường có yếu tố nước ngoài.
-    Kiến thức: Nắm vững những kiến thức cơ bản của khoa học quản lí, quản trị kinh doanh, kinh doanh du lịch (văn hóa du lịch, địa lí du lịch, kinh tế du lịch, quản trị doanh nghiệp du lịch...) cũng như những kiến thức chuyên sâu trong các lĩnh vực khác nhau của hoạt động kinh doanh du lịch như quản trị khách sạn, quản trị lữ hành, quản trị sự kiện...  
-    Khả năng thực hiện, quản lí, điều hành và giám sát các nghiệp vụ cơ bản trong các đơn vị kinh doanh du lịch và các đơn vị dịch vụ khác; tham gia điều chỉnh và thực hiện các chiến lược, dự án, kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như các chính sách tại các cơ quan quản lí nhà nước về du lịch;
-    Khả năng thực hiện các nghiên cứu độc lập có tính thực tiễn trong du lịch, tham gia nghiên cứu khoa học, giảng dạy về du lịch;
-    Thái độ và đạo đức nghề nghiệp đúng đắn, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và có năng lực phát hiện, giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành được đào tạo.

Chuẩn đầu ra
1.    Về kiến thức
-    Hiểu biết những kiến thức tổng hợp về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và các ngành khoa học liên quan ứng dụng trong du lịch
-    Có hiểu biết về lý luận chính trị; có kiến thức cơ bản về đường lối quốc phòng, an ninh của Đảng và Nhà nước vận dụng trong ngành Du lịch.
-    Có hiểu biết cơ bản về các khoa học quản lý vận dụng trong ngành du lịch. Phân tích, đánh giá, vận dụng được kiến thức cơ bản của khoa học quản lý trong kinh doanh du lịch, đặc biệt trong kinh doanh lữ hành, khách sạn và tổ chức sự kiện.
-    Vận dụng được kiến thức liên ngành về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, địa lý, khoa học công nghệ, luật pháp …. trong kinh doanh du lịch và góp phần tích cực vào nghiên cứu, phát triển du lịch một cách bền vững.
-    Hiểu biết những kiến thức cơ bản và chuyên sâu về quản trị kinh doanh du lịch
-    Nắm vững các vấn đề lý luận cơ bản về du lịch; áp dụng vào hoạt động nghiên cứu, tổ chức, quản lý, điều hành và kinh doanh du lịch.
-    Có kiến thức chuyên môn vững chắc về quản trị kinh doanh chuyên ngành du lịch và các ngành hẹp: quản trị lữ hành, quản trị khách sạn, tiếp thị và bán hàng và quản trị sự kiện.
-    Có năng lực phân tích môi trường kinh doanh, hoạch định chính sách kinh doanh du lịch, khách sạn và nhà hàng;
-    Có năng lực tham gia tổ chức các sự kiện lớn;
Nắm bắt được các xu hướng đương đại trong ngành du lịch bao gồm cả phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội, các loại hình du lịch đặc thù.
-    Có kiến thức về nghiên cứu khoa học du lịch
-    Hiểu, phân tích, đánh giá và vận dụng được những phương pháp nghiên cứu khoa học nói chung và ứng dụng trong du lịch nói riêng, từ những phương pháp truyền thống định tính đến những phương pháp hiện đại có sử dụng các công cụ, thiết bị, phần mềm tin học.
2.    Kỹ năng
2.1.    Kỹ năng chuyên môn
Kỹ năng nghề nghiệp trong du lịch
-    Khả năng lập kế hoạch, đặt mục tiêu, định hướng hành động cho nghề nghiệp bản thân trong tương lai và trong ngành du lịch.
-    Biết sắp xếp, giám sát, điều hành công việc đảm bảo nguyên tắc, quy trình làm việc tốt nhất; đồng thời vận dụng được kỹ năng thực hành hướng dẫn, tổ chức sự kiện.
-    Xác định đúng trình độ và năng lực của bản thân.
-    Thành thạo kỹ năng làm việc độc lập và thành công trong các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các đơn vị kinh doanh của ngành du lịch. Tự khẳng định năng lực và phẩm chất của mình trong tập thể, trong tổ chức.
-    Tạo dựng được mối quan hệ với đồng nghiệp và đối tác trong và ngoài ngành.
Phân loại và tiếp cận được người tiêu dùng du lịch, có khả năng thuyết phục và chia sẻ với khách hàng.
-    Vận dụng được linh hoạt kiến thức vào điều kiện thực tế công việc như xây dựng, tổ chức chương tình du lịch, điều hành chương trình du lịch, quản trị buồng phòng…
-    Có kỹ năng tìm tòi, phát hiện, điều chỉnh, phát triển, sáng tạo cái mới, tạo động lực cho bản thân luôn phát triển.
-    Có khả năng cập nhật, ứng dụng công nghệ thông tin trong nghề nghiệp. Có kỹ năng tin học văn phòng tương đương trình độ B, sử dụng thành thạo các phần mềm phục vụ chuyên ngành du lịch như Photoshop, SMILE, các phần mềm đặt giữ chỗ…
-    Sử dụng linh hoạt ngoại ngữ chuyên ngành du lịch, lữ hành, khách sạn, sự kiện.
-    Hiểu, sử dụng thành thạo tiếng Anh ở trình độ B2
-    Kỹ năng lập luận, tư duy và giải quyết vấn đề trong ngành du lịch
-    Có tư duy logic, xác định vấn đề ưu tiên, nhìn vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau để đánh giá hiện tượng một cách toàn diện nhất và tìm được giải pháp tối ưu và phù hợp cho vấn đề.
-    Có khả năng xây dựng giải pháp và khuyến nghị để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong quản lý, kinh doanh du lịch.
-    Kỹ năng nghiên cứu và khám phá kiến thức du lịch
-    Có kỹ năng phát hiện vấn đề và mối tương quan giữa các vấn đề trong lĩnh vực du lịch như du lịch và kinh tế, xã hội, chính trị ….
-    Luôn cập nhật thông tin về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực du lịch cũng như xu hướng, chính sách phát triển du lịch trong và ngoài nước.
-    Có ý thức thu thập, tổng hợp, phân tích, xử lý thông tin để ứng dụng vào giải quyết những vấn đề, sự kiện nảy sinh trong hoạt động du lịch.
-    Kỹ năng vận dụng kiến thức lý luận vào thực tiễn nghề nghiệp du lịch
-    Thể hiện được vai trò trách nhiệm của các cử nhân quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành trong cuộc sống.
-    Phân tích, đánh giá được tác động đa chiều của hoạt động du lịch lên môi trường, văn hóa, xã hội để tìm ra giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực và tăng tác động tích cực của du lịch lên các nhóm yếu tố này.
-    Đánh giá được bối cảnh lịch sử và văn hóa dân tộc để tiếp cận phù hợp trong nghiên cứu và kinh doanh du lịch.
-    Hiểu, phân tích, đánh giá được các vấn đề, giá trị và xu hướng của du lịch trong thời kỳ mới và bối cảnh kinh tế toàn cầu.
-    Kỹ năng cốt lõi
-    Áp dụng thành thạo kỹ năng quản lý thời gian trong các hoạt động đa dạng của ngành.
-    Thích ứng với sự phức tạp của thực tiễn nghề nghiệp du lịch.
-    Phân tích được hành vi ứng xử, kỹ năng của các đối tượng giao tiếp, làm việc trong các lĩnh vực khác nhau của ngành.
-    Áp dụng linh hoạt việc hình thành nhóm làm việc hiệu quả; biết duy trì và phát triển hoạt động nhóm.
-    Làm việc linh hoạt với các nhóm khách hàng, đồng nghiệp, đối tác đa dạng và phức tạp.
-    Hiểu và áp dụng linh hoạt quy trình, xây dựng kế hoạch làm việc.
-    Nhận biết và lựa chọn nguồn lực đúng đắn để thực hiện công việc.
-    Tổ chức thực hiện công việc thông qua sự điều khiển, phân công trong nhóm và tập thể.
-    Kiểm tra, giám sát các hoạt động và xây dựng tiêu chuẩn đánh giá và đánh giá quá trình thực hiện công việc.
-    Áp dụng linh hoạt kỹ năng lập luận, sắp xếp ý tưởng khi xây dựng bài thuyết minh hướng dẫn hay khi lập kế hoạch, dự án kinh doanh trong ngành du lịch.
-    Áp dụng linh hoạt, sáng tạo khi giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ với khách hàng, đồng nghiệp, và đối tác trong thực tiễn nghề.
-    Áp dụng linh hoạt các kỹ năng giao tiếp kinh doanh qua thư điện tử và các phương tiện truyền thông.
-    Sử dụng thành thạo kỹ năng thuyết trình trước khách hàng, đồng nghiệp và đối tác.
-    Kỹ năng xử lý các vấn đề đa văn hóa trong thực tiễn nghề du lịch.
Năng lực tự chủ và trách nhiệm
-    Có năng lực dẫn dắt về chuyên môn, nghiệp vụ đã được đào tạo; có sáng kiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao;
-    Có khả năng tự định hướng, thích nghi với các môi trường làm việc khác nhau;
-    Tự học tập, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ;
-    Có khả năng đưa ra được kết luận về các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ thông thường và một số vấn đề phức tạp về mặt kỹ thuật;
-    Có năng lực lập kế hoạch, điều phối, phát huy trí tuệ tập thể;
-    Có năng lực đánh giá và cải tiến các hoạt động chuyên môn ở quy mô trung bình.
3.    Phẩm chất đạo đức
3.1.    Phẩm chất đạo đức cá nhân
-    Có lối sống lành mạnh.
-    Tự tin khi giao tiếp và thực hành nghề trong môi trường làm việc có yếu tố nước ngoài.
-    Linh hoạt, khéo léo, tinh tế khi thực hành nghề & xử lí tình huống.
-    Chăm chỉ, có tinh thần học hỏi, cầu tiến và đặt mục tiêu cho bản thân.
-    Nhiệt tình và say mê công việc.
-    Điềm tĩnh, tự chủ khi ra quyết định.
3.2.    Phẩm chất đạo đức nghề nghiệp
-    Độc lập: Không bị chi phối hoặc tác động bởi lợi ích vật chất, tinh thần làm ảnh hưởng đến sự trung thực, khách quan và độc lập trong nghề nghiệp.
-    Chính trực: Thẳng thắn, trung thực và có chính kiến rõ ràng
-    Khách quan: Công bằng, tôn trọng sự thật và không được thành kiến, thiên vị.
-    Năng lực chuyên môn và tính thận trọng: Duy trì, cập nhật và nâng cao kiến thức trong hoạt động nghề nghiệp, làm việc với sự thận trọng cao nhất.
-    Tính bảo mật: Bảo mật thông tin trong quá trình thực hiện nghề nghiệp.
-    Tư cách nghề nghiệp: Trau dồi và bảo vệ uy tín nghề nghiệp
-    Tuân thủ chuẩn mực chuyên môn: Tuân thủ những kỹ thuật và chuẩn mực chuyên môn của nghề nghiệp và các quy định pháp luật hiện hành
3.3.    Phẩm chất đạo đức xã hội:
-    Có trách nhiệm với công việc, khách hàng, cộng đồng, xã hội và môi trường
-    Tuân thủ pháp luật và các quy định của nhà nước, xã hội và cộng đồng