logo
EN
VN

Mục tiêu đào tạo chuẩn đầu ra - Ngành Ngôn ngữ Anh

Mục tiêu đào tạo
Chương trình giáo dục đại học ngành Ngôn ngữ Anh đào tạo ra những cử nhân có chất lượng tốt, có khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh tối thiểu bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam (tương đương trình độ 5 theo Khung năng lực ngôn ngữ chung Châu Âu), có kiến thức chuyên sâu về ngôn ngữ văn hóa các nước nói tiếng Anh, có kiến thức và các kỹ năng cần thiết để công tác trong các lĩnh vực như biên phiên dịch, quản trị văn phòng, giảng dạy và nghiên cứu ngôn ngữ, biên dịch các sản phẩm báo chí và tham gia các hoạt động báo chí - truyền thông. Người học cũng có thể tiếp tục tự học, tham gia học tập ở bậc học cao hơn, tích lũy những phẩm chất và kĩ năng cá nhân cũng như nghề nghiệp quan trọng để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn của mình.

Chuẩn đầu ra
1.    Kiến thức
Kiến thức chung
Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, sinh viên có kiến thức lý thuyết chuyên sâu trong lĩnh vực đào tạo; nắm vững kỹ thuật và có kiến thức thực tế để có thể giải quyết các công việc phức tạp; tích luỹ được kiến thức nền tảng về các nguyên lý cơ bản, các quy luật tự nhiên và xã hội trong lĩnh vực được đào tạo để phát triển kiến thức mới và có thể tiếp tục học tập ở trình độ cao hơn; có kiến thức quản lý, điều hành, kiến thức pháp luật và bảo vệ môi trường liên quan đến lĩnh vực được đào tạo. Sinh viên hiểu và vận dụng được vào thực tiễn hệ thống tri thức khoa học những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác Lênin, hiểu được những kiến thức cơ bản, có tính hệ thống về tư tưởng, đạo đức, giá trị văn hóa Hồ Chí Minh, những nội dung cơ bản của Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hoàn thành chương trình đào tạo, sinh viên có thể nắm bắt và áp dụng được những khái niệm cơ bản trong Ngữ âm học và Âm vị học tiếng Anh, phát âm đúng tiếng Anh; nắm vững những vấn đề cơ bản của ngữ nghĩa học tiếng Anh và những kỹ năng phân tích ngữ nghĩa. Sinh viên cũng được trang bị những vấn đề cơ bản của Ngữ pháp tiếng Anh, Diễn ngôn tiếng Anh, vận dụng được những kiến thức về những vấn đề đó trong công việc chuyên môn. Sinh viên có thể vận dụng kiến thức khái quát về văn hóa, văn học, giao thoa văn hóa các nước nói tiếng Anh bao gồm các đặc điểm về lịch sử, con người, văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị và giáo dục vào các kỹ năng thuyết trình, phân tích phê phán, làm việc nhóm, nghiên cứu liên ngành và kỹ năng tranh luận, nâng cao vốn từ vựng, các kỹ năng tiếng Anh.
Kiến thức chuyên ngành
-    Chương trình đào tạo đại học ngành Ngôn ngữ Anh có 3 định hướng chuyên ngành: Biên phiên dịch, Sư phạm, Truyền thông báo chí.
-    Sinh viên hoàn thành chương trình Ngôn ngữ Anh định hướng Biên phiên dịch có khả năng nắm vững các kiến thức về lý thuyết dịch, có thể áp dụng các kiến thức này trong công tác biên phiên dịch. Vận dụng các kiến thức chuyên sâu và các kỹ năng về nghiệp vụ biên phiên dịch để thực hiện công tác biên dịch, phiên dịch trong môi trường trong nước và quốc tế.
-    Sinh viên hoàn thành chương trình Ngôn ngữ Anh định hướng Sư phạm có khả năng nắm vững kiến thức về giáo học pháp, có thể vận dụng các kiến thức này trong hoạt động giảng dạy và quản lý đào tạo. Vận dụng các kiến thức được trang bị để phân tích và xử lý vấn đề, quản lý công việc và sắp xếp thời gian, hợp tác và làm việc theo nhóm, chia sẻ và phân công nhiệm vụ.
-    Sau khi tốt nghiệp chương trình Ngôn ngữ Anh định hướng Sư phạm có thể đảm nhận các vị trí như: giáo viên, cán bộ giảng dạy tại các cơ sở dạy tiếng Anh ở các cấp học trong hệ thống giáo dục của Việt Nam, đặc biệt tại các trường trung học phổ thông hay đại học, hoặc có thể phát triển thành những cán bộ nghiên cứu khoa học giáo dục ngoại ngữ, nghiên cứu ngôn ngữ học hay quốc tế học.
-    Sinh viên hoàn thành chương trình Ngôn ngữ Anh định hướng Truyền thông báo chí được trang bị kiến thức chung, cơ bản về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học Mác-Lênin; những kiến thức cơ bản về lý thuyết và kỹ năng nghề nghiệp báo chí - truyền thông. Vận dụng kiến thức đã học để nắm bắt tình hình thực tiễn, thu thập dữ liệu - thông tin  báo chí; tổ chức biên dịch các sản phẩm báo chí, chủ động tham gia các hoạt động báo chí - truyền thông.
2.    Năng lực chuyên môn
-    Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, sinh viên có thể vận dụng kiến thức lý thuyết và thực tiễn của ngành được đào tạo trong những bối cảnh khác nhau; có kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá dữ liệu và thông tin, tổng hợp ý kiến tập thể và sử dụng những thành tựu mới về khoa học công nghệ để giải quyết những vấn đề thực tế hay trừu tượng trong lĩnh vực được đào tạo. Sinh viên có khả năng quản l thời gian, kỹ năng thích ứng, kỹ năng học và tự học, kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề, đưa ra giải pháp, kiến nghị, kỹ năng phần tích, tổng hợp.
-    Tốt nghiệp chương trình đào tạo, sinh viên có năng lực phát triển nghề nghiệp, biết tự đánh giá, tự rèn luyện nhằm nâng cao năng lực bản thân, chất lượng, hiệu quả công việc, biết phát hiện và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn hoạt động nghề nghiệp, có khả năng áp dụng những khái niệm lý thuyết và kỹ năng chuyên môn, sáng tạo vào các tình huống khác nhau.
-    Hoàn thành chương trình đào tạo, sinh viên có  thể sử dụng tiếng Anh thành thạo với các kỹ năng ngôn ngữ (nghe, nói, đọc, viết), biên dịch, phiên dịch, có tư duy phê phán, kỹ năng phân tích, tổng hợp, kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề để hoàn thành nhiệm vụ nghề nghiệp; có các năng lực và kỹ năng khác cần thiết để làm việc và phát triển trong môi trường hội nhập như kỹ năng thuyết phục, đàm phán, năng lực quản lý và năng lực tự học. Sinh viên có thể sử dụng tốt tiếng Anh ở trình độ bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; có thể vận dụng các kiến thức về Ngữ âm, Ngữ pháp và Từ vựng trong hoạt động thuộc định hướng đào tạo và nghiên cứu.
3.    Phẩm chất đạo đức
Phẩm chất đạo đức cá nhân
Xác định rõ Chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng cho mọi hoạt động trong thực tiễn. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Xây dựng niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, phấn đấu theo mục tiêu lý tưởng của Đảng, bồi dưỡng và nâng cao ý thức trách nhiệm của sinh viên trước những nhiệm vụ trọng đại của đất nước. Có phong cách và lối sống lành mạnh, dám hy sinh, phấn đấu cho lý tưởng;
Tự tin, linh hoạt, dám đương đầu với rủi ro; tuân thủ các tiêu chuẩn và nguyên tắc đạo đức; nhiệt tình, say mê sáng tạo; có tinh thần tự tôn, hiểu biết văn hóa; có khả năng thích ứng cao với hoàn cảnh và điều kiện, môi trường làm việc, can đảm, quyết tâm hành động; luôn có ý thức học hỏi, không ngừng trau dồi năng lực và có khát vọng vượt khó, vươn lên để thành đạt.
Phẩm chất đạo đức nghề nghiệp
-    Trung thực, trách nhiệm và đáng tin cậy; có lòng tự tôn dân tộc; say mê trong công việc, tích cực khám phá kiến thức, khám phá thực tiễn;
-    Năng động, nhạy bén và sáng tạo trong các hoạt động chuyên môn, làm việc có kỷ luật và năng suất cao;
-    Đảm bảo tính liêm chính, công bằng, vô tư, không phân biệt đối xử trong nhiệm vụ biên-phiên dịch, trung thành với văn bản (nói/viết) nguyên gốc, không thêm bớt, chỉnh sửa hay bóp méo nội dung thông tin và ý định giao tiếp của tác giả phát ngôn;
-    Đảm bảo bí mật thông tin của khách hàng trong nhiệm vụ biên-phiên dịch; có thái độ đúng và hiểu tầm quan trọng của nhiệm vụ biên-phiên dịch; có tính kiên trì, say mê công việc, có hành vi chuyên nghiệp; thực hiện đầy đủ các quy định về đạo đức nghề nghiệp;
-    Có khả năng quản lí thời gian, có kĩ năng thích ứng, kĩ năng học và tự học, kĩ năng phát hiện và giải quyết vấn đề, đưa ra giải pháp, kiến nghị, kĩ năng phân tích, tổng hợp;
-    Ứng xử tốt thân thiện với đồng nghiệp, đoàn kết, hợp tác, cộng tác với đồng nghiệp, xây dựng tập thể sư phạm tốt để cùng thực hiện mục tiêu giáo dục và giảng dạy tiếng Anh;
-    Có khả năng phối hợp với gia đình và cộng đồng trong hỗ trợ, giám sát việc học tập tiếng Anh, rèn luyện, hướng nghiệp của học sinh và góp phần huy động các nguồn lực trong cộng đồng phát triển nhà trường;
-    Tích cực, tự giác trong việc thực hiện các nhiêm vụ thuộc lĩnh vực được đảm nhận; có thái độ hành nghề đúng đắn, nghiêm túc, đúng chuẩn mực pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.
Phẩm chất đạo đức xã hội
Xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân, có tư cách, tác phong đúng đắn của người công dân; có chuẩn mực đạo đức trong các quan hệ xã hội, sống và làm việc có trách nhiệm với cộng đồng và đất nước; có lối sống lành mạnh, văn minh, phù hợp với bản sắc dân tộc; có tác phong mẫu mực, làm việc khoa học.