logo
EN
VN

Mục tiêu đào tạo và chuẩn đầu ra – Ngành ngôn ngữ Nga

Mục tiêu đào tạo
Chương trình giáo dục đại học ngành ngôn ngữ Nga nhằm đạt được các mục tiêu đã được qui định tại điều 35 Luật giáo dục, đảm bảo sinh viên ra trường có kiến thức ngôn ngữ Nga đạt trình độ Bậc 5 (theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam), có đủ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, phẩm chất chính trị, đạo đức, tác phong nghề nghiệp và sức khoẻ tốt để làm việc hiệu quả trong các lĩnh vực sử dụng tiếng Nga, đáp ứng được những yêu cầu của xã hội và của nền kinh tế trong quá trình hội nhập quốc tế.

Chương trình giáo dục đại học ngành ngôn ngữ Nga với 03 định hướng Biên phiên dịch, Ngôn ngữ học ứng dụng và Du lịch có mục tiêu cung cấp cho sinh viên những nền tảng kiến thức sâu rộng về tiếng Nga, sử dụng tiếng Nga một cách thành thạo trong các kỹ năng giao tiếp ngôn ngữ Nghe, Nói, Đọc, Viết phù hợp với các yêu cầu được miêu tả đối với trình độ ngoại ngữ bậc, có kiến thức nền cần thiết cho nghề nghiệp (kiến thức về ngôn ngữ, văn hoá-văn minh, văn học Nga), có trình độ nghiệp vụ vững vàng trong định hướng chuyên môn mà sinh viên lựa chọn và bước đầu hình thành năng lực nghiên cứu khoa học.

Chuẩn đầu ra
1. Kiến thức
1.1. Kiến thức chung:
- Hiểu và vận dụng được vào thực tiễn những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, những kiến thức cơ bản, có tính hệ thống về tư tưởng, đạo đức, giá trị văn hóa Hồ Chí Minh, những nội dung cơ bản của Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, chủ yếu là đường lối trong thời kỳ đổi mới trên một số lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội;

- Sử dụng được các hệ điều hành, các phần mềm hỗ trợ công tác văn phòng và khai thác Internet...;

- Sử dụng hiệu quả một ngoại ngữ thứ hai ở trình độ sơ cấp, có khả năng vận dụng từ ngữ và cấu trúc phù hợp và chính xác trong tình huống giao tiếp thông thường;

- Hiểu và vận dụng được những kiến thức khoa học cơ bản trong lĩnh vực thể dục thể thao để nâng cao thể lực;

- Hiểu rõ nội dung cơ bản về đường lối quân sự và nhiệm vụ công tác quốc phòng - an ninh của Đảng, Nhà nước trong tình hình mới.

1.2. Kiến thức theo khối ngành
- Có những kiến thức cơ bản về văn hóa đại cương, các quan điểm và phương pháp tiếp cận trong nghiên cứu văn hóa nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng; hiểu được bản sắc văn hóa Việt Nam, hình thành bản lĩnh văn hóa dân tộc;

- Nắm vững được bản chất và chức năng, nguồn gốc và sự phát triển của ngôn ngữ; có những tri thức cơ bản và hiện đại về tiếng Việt làm cơ sở để đối chiếu ngôn ngữ.

1.3. Kiến thức giáo dục chuyên môn:
Khối kiến thức tiếng
- Giao tiếp thành thạo tiếng Nga ở bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tương đương bậc 5 trong Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam.
Khối kiến thức cơ sở ngành;

- Nắm được kiến thức ngữ pháp tiếng Nga, đặc biệt là kiến thức của các môn Ngữ âm học, hình thái học và một số vấn đề cú pháp tiếng Nga;

- Nắm vững kiến thức đất nước học Nga qua những kiến thức về địa lý, các hiện tượng và sự kiện lịch sử, xã hội và văn hóa của dân tộc Nga; hiểu được mối liên hệ giữa nước Nga với thế giới, với không gian hữu nghị Nga-Việt.

Khối kiến thức chuyên sâu
- Chương trình đào tạo đại học ngành ngôn ngữ Nga có 3 định hướng chuyên ngành: Ngôn ngữ học ứng dụng, Biên-phiên dịch, Du lịch;

- Sinh viên hoàn thành chương trình ngôn ngữ Nga định hướng Ngôn ngữ học ứng dụng sẽ nắm được các kiến thức chuyên sâu về ngôn ngữ lí thuyết và ngôn ngữ ứng dụng; có thể vận dụng các cách thức để tối ưu hóa các kiến thức ngôn ngữ trong giao tiếp và dịch thuật; có khả năng soạn thảo văn bản hành chính tiếng Nga, tiến hành nghiên cứu các vấn đề ngôn ngữ thuần túy hoặc các công việc khác liên quan đến ngôn ngữ như truyền thông, biên tập viên, giảng dạy ngôn ngữ;

- Sinh viên hoàn thành chương trình ngôn ngữ Nga định hướng Biên-phiên dịch được trang bị những kiến thức về lí thuyết dịch, có khả năng vận dụng các kiến thức đó để đánh giá và dịch các thể loại ngôn bản thuộc các văn phong khác nhau từ tiếng Nga sang tiếng Việt và ngược lại. Sinh viên biết sử dụng các kỹ năng và kỹ thuật dịch khác nhau trong các văn bản, hiểu được những yếu tố phi ngôn ngữ, những vấn đề về văn hóa trong khi tác nghiệp biên-phiên dịch, nắm được những khái niệm và quy ước về đạo đức nghề nghiệp;

- Sinh viên hoàn thành chương trình ngôn ngữ Nga định hướng Du lịch được trang bị những kiến thức cơ bản về nghiệp vụ du lịch, về văn hóa giao tiếp và ứng xử trong du lịch, được tìm hiểu sâu về đặc điểm địa lý, văn hóa, lịch sử của các địa phương hai nước Nga và Việt Nam, được hướng dẫn cách sử dụng tiếng Nga trong lĩnh vực du lịch.

2. Kỹ năng
2.1. Các kỹ năng cá nhân
- Chăm chỉ, nhiệt tình và say mê công việc; có khả năng quản lý thời gian, kỹ năng học và tự học, kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề, đưa ra giải pháp, kiến nghị, kỹ năng phân tích, tổng hợp;

- Phát huy hiệu quả các kiến thức chuyên môn và phát triển tiềm năng cá nhân, đáp ứng tốt hơn, thích ứng nhanh hơn với tình hình thực tế và nhu cầu của xã hội cũng như đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng;

- Có kỹ năng làm việc trong các nhóm khác nhau;

- Giao tiếp tốt bằng văn bản và lời nói (trao đổi, thuyết trình); áp dụng những kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tinh tế trong các hoàn cảnh cụ thể và đa dạng.

2.2. Các kỹ năng nghề nghiệp
- Có kỹ năng vận dụng kiến thức lí thuyết và thực tiễn của ngành được đào tạo để thực hiện những công việc khác nhau ở những vị trí công tác khác nhau;

- Có năng lực phát triển nghề nghiệp; tự đánh giá, tự học và tự rèn luyện nhằm nâng cao năng lực bản thân, chất lượng, hiệu quả công việc. Biết phát hiện và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong hoạt động nghề nghiệp; không ngừng sáng tạo và phát triển nghề nghiệp thông qua quá trình tự học, tự nghiên cứu, áp dụng những tiến bộ mới trong các hoạt động nghề nghiệp;

- Có khả năng tự đánh giá kết quả công việc, hoàn thành công việc đúng hạn, đặt mục tiêu, tự phát triển bản thân, tự trau dồi và phát triển nghề nghiệp.

3. Phẩm chất đạo đức
3.1. Phẩm chất đạo đức cá nhân
- Xác định rõ Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam, nền tảng tư tưởng cho mọi hoạt động trong thực tiễn. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh;

- Có tinh thần yêu nước, chấp hành nghiêm chỉnh đường lối của Đảng và pháp luật của nhà nước, tuân thủ các tiêu chuẩn và nguyên tắc đạo đức.

3.2. Phẩm chất đạo đức nghề nghiệp
- Có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, trung thực, tích cực hoàn thành mọi nhiệm vụ công tác;

- Có thái độ hòa nhã, thân thiện với đồng nghiệp; có tinh thần đoàn kết, hợp tác, cộng tác với đồng nghiệp để công việc đạt được hiệu quả cao nhất.