logo
EN
VN

Mục tiêu đào tạo và chuẩn đầu ra – Ngành ngôn ngữ Nhật

Mục tiêu đào tạo
1.1.    Mục tiêu chung
-    Chương trình nhằm đào tạo cử nhân ngôn ngữ Nhật có phẩm chất chính trị, vững vàng, có kỉ luật, đạo đức nghề nghiệp, có ý thức phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân, có sức khoẻ; Có khả năng sử dụng thành thạo tiếng Nhật tối thiểu bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; Có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng thực hành nghề vững vàng theo định hướng ngành nghề được đào tạo, đáp ứng được những yêu cầu của xã hội và của nền kinh tế trong quá trình hội nhập quốc tế;

Chuẩn đầu ra
1.    Kiến thức
Tốt nghiệp chương trình đào tạo, sinh viên có kiến thức lí thuyết chuyên sâu trong lĩnh vực đào tạo; có kinh nghiệm thực tế để có thể giải quyết các công việc phức tạp; tích luỹ được kiến thức nền tảng về các nguyên lý cơ bản, các qui luật tự nhiên và xã hội trong chuyên ngành được đào tạo để phát triển kiến thức đã được truyền đạt và có thể tiếp tục cập nhật kiến thức mới và nâng cao trình độ; có kiến thức quản lý, điều hành, kiến thức pháp luật và bảo vệ môi trường liên quan đến lĩnh vực được đào tạo; và có các kiến thức cụ thể theo các nhóm sau:
1.1.    Kiến thức Giáo dục đại cương
-    Hiểu và vận dụng được vào thực tiễn hệ thống tri thức khoa học những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin - học thuyết khoa học và chân chính nhất được cấu thành từ ba bộ phận lý luận có mối quan hệ thống nhất biện chứng với nhau: Triết học Mác-Lênin, Kinh tế chính trị Mác-Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học. Hiểu được những kiến thức cơ bản, có tính hệ thống về tư tưởng, đạo đức, giá trị văn hóa Hồ Chí Minh, những nội dung cơ bản của Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, chủ yếu là đường lối trong thời kỳ đổi mới trên một số lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội;
-    Nhớ và giải thích được các kiến thức cơ bản về thông tin và mạng truyền thông. Sử dụng được các công cụ xử lí thông tin thông dụng (hệ điều hành, các phần mềm hỗ trợ công tác văn phòng và khai thác Internet...);
-    Có trình độ ngoại ngữ hai tối thiểu đạt bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam;
-    Hiểu và vận dụng được những kiến thức khoa học cơ bản trong lĩnh vực thể dục thể thao vào quá trình tập luyện và tự rèn luyện để củng cố và tăng cường sức khỏe, đề phòng chấn thương. Vận dụng được những kỹ năng, chiến thuật cơ bản, luật thi đấu vào các hoạt động thể thao cộng đồng;
-    Hiểu rõ nội dung cơ bản về đường lối quân sự và nhiệm vụ công tác quốc phòng - an ninh của Đảng, Nhà nước trong tình hình mới. Vận dụng kiến thức đã học vào chiến đấu trong điều kiện tác chiến thông thường.
1.2.    Kiến thức Giáo dục liên ngành, cận ngành
-    Nắm vững từ kiến thức cơ bản đến kiến thức chuyên sâu về tiếng Nhật. Có trình độ kiến thức và kỹ năng thực hành tiếng tương đương cấp độ N2 theo thang đánh giá năng lực của chính phủ Nhật Bản, tức tương đương bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam;
-    Nắm vững kiến thức nền tảng để chuẩn bị học các học phần thuộc khối kiến thức chuyên ngành, tiến tới dự thi tốt nghiệp và tạo cơ sở để phát triển sau khi tốt nghiệp, đáp ứng được yêu cầu của cá nhân sinh viên và xã hội;
-    Thành thạo các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết được hình thành và củng cố qua các giai đoạn từ tiếng Nhật sơ cấp đến trung cấp, trung - cao cấp và cao cấp. Có thể tự tin trong giao tiếp;
-    Có khả năng hiểu được cách nói, cách viết trong các tình huống cụ thể, cũng như có thể thực hiện các bài viết để trình bày, tổng hợp, nghiên cứu… liên quan đến nhiều chủ đề, lĩnh vực khác nhau.
1.3.    Kiến thức theo khối chuyên ngành
Khối cơ sở ngành
-    Gồm những môn học bổ trợ, nhằm nâng cao năng lực ngôn ngữ và các kiến thức khác ngoài ngôn ngữ. Khối cơ sở ngành gồm 17 tín chỉ chia đều cho các nhóm kiến thức sau:
* Nhóm kiến thức Lí thuyết tiếng
-    Nắm được những kiến thức cơ bản quan trọng về những đặc trưng ngôn ngữ của tiếng Nhật như: kiến thức về ngữ âm (hệ thống âm, nhịp, trọng âm...), kiến thức về từ vựng, ngữ nghĩa tiếng Nhật (phân loại theo cấu tạo, nguồn gốc, từ đa nghĩa, đồng nghĩa, trái nghĩa...) và kiến thức về ngữ pháp tiếng Nhật.
* Nhóm kiến thức Tiếng Nhật chuyên ngành
-    Có kiến thức về kỹ năng giao tiếp cũng như văn hóa ứng xử với người Nhật Bản nói chung và giao tiếp trong văn phòng nói riêng;
-    Có thêm các kiến thức về một số môn học chuyên ngành như du lịch, thương mại, kế toán, công nghệ thông tin...
* Nhóm kiến thức Văn học và Văn hóa văn minh
-    Nắm được các kiến thức cơ bản về đất nước con người, xã hội, kinh tế, chính trị, lịch sử, văn hóa của người Nhật Bản;
-    Nắm được các kiến thức cơ bản về bối cảnh lịch sử, đặc trưng văn hoá, sự ra đời và phát triển của nền văn học Nhật Bản, các đặc điểm chính của nền văn học Nhật Bản, các dòng văn học hay, các khuynh hướng sáng tác, các thể loại văn học trong nền văn học Nhật Bản.
Khối kiến thức ngành (định hướng chuyên ngành)
* Định hướng Biên-phiên dịch:
-    Sinh viên hoàn thành Chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Nhật - định hướng Biên-phiên dịch có thể:
-    Hiểu và vận dụng các kiến thức về ngôn ngữ, văn hoá, văn học, kinh tế Nhật Bản, rèn luyện kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Nhật ở mức độ tương đối thành thạo;
-    Nắm vững và vận dụng kiến thức về bản chất của quá trình biên-phiên dịch, về tâm lý và đạo đức nghề nghiệp để phục vụ công tác chuyên môn sau này;
-    Có thể vận dụng các kiến thức và kỹ năng biên-phiên dịch vào thực tiễn hoạt động tại các cơ sở giáo dục.
* Định hướng Sư phạm:
-    Sinh viên hoàn thành Chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Nhật - định hướng Sư phạm có thể:
-    Nắm và vận dụng các kiến thức về tâm lý học trong dạy và học ngoại ngữ, nghiệp vụ sư phạm, đặc biệt là các phương pháp giảng dạy tiếng Nhật, kiểm tra đánh giá và công nghệ trong giảng dạy vào thực tiễn hoạt động tại các cơ sở giáo dục;
-    Nắm vững và vận dụng kiến thức về bản chất của quá trình dạy và học ngoại ngữ để phục vụ công tác chuyên môn sau này;
-    Hiểu biết về bối cảnh và các vấn đề của việc giảng dạy tiếng Nhật tại Việt Nam, cũng như vai trò của tiếng Nhật như một ngôn ngữ mang tính quốc tế cao.
* Định hướng Tiếng Nhật thương mại:
-    Sinh viên hoàn thành Chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Nhật - định hướng Tiếng Nhật thương mại có thể:
-    Có khả năng sử dụng tiếng Nhật thành thạo trong các lĩnh vực kinh doanh và thương mại quốc tế, quan hệ kinh tế quốc tế, tài chính kế toán để có thể làm việc hiệu quả trong môi trường kinh doanh quốc tế và ở các lĩnh vực chuyên môn khác;
-    Biết soạn thảo hợp đồng thương mại quốc tế và có thể đàm phán giáo dịch thương mại quốc tế;
-    Nắm các kiến thức cơ bản về kinh tế, thương mại như kinh tế học, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản, kinh tế Nhật Bản, văn hóa kinh doanh của Nhật Bản, marketing quốc tế, pháp luật thương mại quốc tế...;
-    Có hiểu biết về văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị của Nhật Bản.
2.    Kỹ năng
2.1.    Kỹ năng nghề nghiệp
-    Có kỹ năng hoàn thành công việc phức tạp đòi hỏi vận dụng kiến thức lí thuyết và thực tiễn của ngành được đào tạo trong những bối cảnh khác nhau;
-    Có kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá dữ liệu và thông tin, tổng hợp ý kiến tập thể và sử dụng những thành tựu mới về khoa học công nghệ để giải quyết những vấn đề thực tế hay trừu tượng trong lĩnh vực được đào tạo;
-    Có năng lực dẫn dắt chuyên môn để xử lí những vấn đề quy mô địa phương và vùng miền;
-    Có khả năng quản lý thời gian, kỹ năng thích ứng, kỹ năng học và đặc biệt là kỹ năng tự học, kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề, đưa ra giải pháp, kiến nghị, kỹ năng phân tích, tổng hợp;
-    Có năng lực phát triển nghề nghiệp, biết tự đánh giá, tự học và tự rèn luyện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Biết phát hiện và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn hoạt động nghề nghiệp nhằm đáp ứng những yêu cầu mới;
-    Có khả năng áp dụng sáng tạo những kiến thức nền, kiến thức và kỹ năng chuyên môn vào các tình huống khác nhau.
* Định hướng Biên-phiên dịch:
-    Có khả năng ghi nhớ thông tin và truyền đạt lại thông tin của phát ngôn một cách chính xác và dễ hiểu trong hoạt động phiên dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Việt và ngược lại;
-    Có khả năng sử dụng các công cụ hỗ trợ, kỹ thuật liên quan trong biên dịch và phiên dịch;
-    Có khả năng xử lí về mặt tâm lý nghề nghiệp khi tham gia các hoạt động phiên dịch;
Có khả năng xử lí và biên tập các bản dịch trong hoạt động biên dịch;
Có kỹ năng xem xét một yêu cầu phiên dịch hoặc một hợp đồng dịch để quyết định có đảm nhận thực thi công việc đó hay không;
-    Có kỹ năng chuẩn bị kiến thức và tâm lý trước để thực hiện các hợp đồng biên-phiên dịch hiệu quả;
-    Có khả năng đáp ứng nhu cầu khách hàng về chất lượng bản dịch cũng như tiến độ dịch.
* Định hướng Sư phạm:
-    Có khả năng tổ chức và điều phối các hoạt động giảng dạy theo hướng lấy người học là trung tâm của quá trình giảng dạy để phát huy tối đa tính chủ động và sáng tạo của học sinh, phát triển năng lực tự học của học sinh;
-    Có khả năng xây dựng, thực hiện kế hoạch giảng dạy theo hướng tích hợp việc truyền đạt kiến thức tiếng Nhật với giáo dục các kỹ năng mềm;
-    Có năng lực thực hiện kế hoạch giảng dạy tiếng Nhật đảm bảo khối kiến thức theo chương trình, đảm bảo việc truyền đạt nội dung chính xác, có hệ thống; biết vận dụng hợp lý các kiến thức liên môn, kiến thức nền, kiến thức một ngoại ngữ khác của học sinh để học tiếng Nhật một cách hiệu quả;
-    Có năng lực soạn thảo bài kiểm tra và tổ chức việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập để nâng cao chất lượng và hiệu quả việc giảng dạy tiếng Nhật;
-    Có khả năng phát hiện và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn hoạt động nghề nghiệp nhằm đáp ứng những yêu cầu mới;
-    Có khả năng thu thập thông tin về nhu cầu, mục đích học tiếng Nhật của người học và biết cách điều chỉnh nội dung cũng như phương pháp dạy và học nhằm đáp ứng được nhu cầu của người học.
* Định hướng tiếng Nhật thương mại:
-    Có năng lực sử dụng tiếng Nhật và có kỹ năng giao tiếp nghe, nói, đọc, viết vững vàng bằng tiếng Nhật trong văn phòng và giao dịch trong môi trường kinh tế, thương mại;
-    Có kỹ năng - kỹ thuật nghiệp vụ phiên dịch và biên dịch tiếng Nhật, có khả năng biên-phiên dịch trong lĩnh vực chính trị, xã hội và đặt biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại;
-    Nắm vững kiến thức cơ bản về giao dịch Thương mại quốc tế, quan hệ kinh tế quốc tế, kinh tế học, kinh tế Nhật Bản, kiến thức tiếng Nhật chuyên ngành trong lĩnh vực này để phục vụ các mục đích nghề nghiệp;
-    Có kiến thức kinh tế, thương mại cần thiết để thích ứng với môi trường kinh doanh quốc tế; hiểu biết về văn hoá, xã hội, kinh tế, chính trị và phong tục, văn hóa kinh doanh của Nhật Bản và Việt Nam;
-    Có thể thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh thương mại trong môi trường có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh thương mại với Nhật Bản. Có thể vận dụng được kiến thức để đưa ra các quyết định phù hợp trong các tình huống công việc, kinh doanh trong lĩnh vực thương mại.
Khả năng lập luận tư duy và giải quyết vấn đề:
-    Vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh để xác định phương pháp luận và các phương pháp nghiên cứu cụ thể. Nắm vững qui luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn đất nước. Nắm vững quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng để xác định, phân tích và giải quyết các vấn đề cụ thể trong nghiên cứu, học tập và cống hiến, đóng góp cho cuộc sống xã hội;
-    Có khả năng lập luận, tư duy và giải quyết các vấn đề thuộc chuyên ngành đã theo học.
Khả năng nghiên cứu và khám phá kiến thức:
-    Có khả năng hình thành các giả thuyết, thu thập, phân tích và xử lí thông tin, tham gia nghiên cứu thực nghiệm, kiểm định giả thuyết và ứng dụng để nghiên cứu các vấn đề liên quan đến lĩnh vực công tác.
Khả năng tư duy theo hệ thống:
-    Có khả năng tư duy logic, có hệ thống khi tiếp cận và xử lí các vấn đề thuộc lĩnh vực công tác.
Bối cảnh xã hội và ngoại cảnh:
-    Có khả năng thích nghi với xã hội và môi trường công tác. Hiểu biết xã hội, thích ứng nhanh với sự thay đổi của kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế.
Bối cảnh tổ chức:
-    Có khả năng thích ứng nhanh với sự thay đổi của bối cảnh tổ chức trong sự vận động của nền kinh tế thế giới hiện đại. Nắm vững chiến lược, kế hoạch, mục tiêu và văn hóa của cơ quan công tác để làm việc có hiệu quả.
Năng lực vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn:
-    Có khả năng nhận diện và giải quyết vấn đề. Hiểu biết và sử dụng các chiến lược để giải quyết những vấn đề phát sinh trong hoạt động nghề nghiệp, biết cách đáp ứng nhu cầu của khách hàng và nhu cầu của thị trường;
-    Vận dụng phù hợp và linh hoạt các kiến thức, kỹ năng để thực hiện công việc, phân tích, xử lí các vấn đề thực tiễn trong hoạt động chuyên môn;
-    Có khả năng tìm hiểu đối tượng và môi trường làm việc, có phương pháp thu thập và xử lí thông tin thường xuyên về nhu cầu và đặc điểm của đối tượng, về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội của địa phương, quốc gia, khu vực và quốc tế;
-    Có khả năng sử dụng các thông tin thu được vào công việc chuyên môn.
Năng lực sáng tạo, phát triển và dẫn dắt sự thay đổi trong nghề nghiệp:
-    Có năng lực sáng tạo và năng lực thúc đẩy sự thay đổi, phát triển trong nghề nghiệp thông qua kỹ năng tự học, học tập suốt đời, tích lũy và phát triển các kiến thức và kỹ năng cần thiết để thích ứng nhanh với những biến động của thực tiễn khách quan.
2.2.    Kỹ năng bổ trợ
Kỹ năng làm việc độc lập:
-    Quản lý tốt thời gian và nguồn lực cá nhân; linh hoạt, thích ứng nhanh với những thay đổi phức tạp của thực tế; có thể tự đánh giá kết quả công việc, hoàn thành công việc đúng hạn, đặt mục tiêu, tự phát triển bản thân, tự trau dồi và phát triển nghề nghiệp.
Kỹ năng làm việc theo nhóm:
-    Có kỹ năng làm việc nhóm một cách hiệu quả; có khả năng hợp tác, trao đổi và thỏa thuận để vận hành và phát triển nhóm; có khả năng làm việc trong các nhóm khác nhau.
Kỹ năng quản lý và lãnh đạo:
-    Có khả năng lãnh đạo, điều phối và làm chủ được tình hình trước những thay đổi, biến động xảy ra trong lĩnh vực công tác;
-    Có khả năng lãnh đạo nhóm (quản lý, phân công nhiệm vụ, điều tiết sự phối hợp cá nhân trong nhóm, biết áp dụng hiệu quả các phương pháp động viên, khuyến khích nhân viên…);
-    Có tác phong lãnh đạo khoa học và hiện đại, gương mẫu trong công việc.
Kỹ năng giao tiếp:
-    Giao tiếp tốt bằng các hình thức văn bản và lời nói (trao đổi, thuyết trình), truyền đạt thông tin và chuyển giao kiến thức dưới dạng viết và nói;
-    Có khả năng áp dụng những kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tinh tế trong các hoàn cảnh cụ thể và đa dạng.
Kỹ năng giao tiếp sử dụng ngoại ngữ:
-    Kỹ năng ngoại ngữ chuyên ngành: Có kỹ năng ngoại ngữ ở mức có thể hiểu được các ý chính của một báo cáo hay bài phát biểu về các chủ đề quen thuộc trong công việc liên quan đến ngành được đào tạo; có thể sử dụng ngoại ngữ để diễn đạt, xử lí một số tình huống chuyên môn thông thường; có thể viết được báo cáo có nội dung đơn giản, trình bày ý kiến liên quan đến công việc chuyên môn.
Kỹ năng công nghệ thông tin:
-    Sử dụng thành thạo các công cụ công nghệ thông tin phục vụ công tác chuyên môn; thành thạo trong việc khai thác hiệu quả Internet phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu;
-    Có khả năng tổ chức lưu trữ thông tin trên máy tính và sử dụng máy tính để giải quyết các vấn đề thông dụng liên quan đến nghề nghiệp được đào tạo.
3.    Về phẩm chất đạo đức
3.1.    Phẩm chất đạo đức cá nhân
-    Xác định rõ Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam, nền tảng tư tưởng cho mọi hoạt động trong thực tiễn, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Xây dựng niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, phấn đấu theo mục tiêu lý tưởng của Đảng, bồi dưỡng và nâng cao ý thức trách nhiệm của sinh viên trước những nhiệm vụ trọng đại của đất nước. Có phong cách và lối sống lành mạnh, dám hy sinh, phấn đấu cho lý tưởng;
-    Có tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, luôn tự hào và trân trọng đối với truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc, có ý thức cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc;
-    Tự tin, linh hoạt, dám đương đầu với rủi ro; tuân thủ các tiêu chuẩn và nguyên tắc đạo đức; nhiệt tình, say mê sáng tạo; có tinh thần tự tôn, hiểu biết văn hóa; có khả năng thích ứng cao với hoàn cảnh và điều kiện, môi trường làm việc, can đảm, quyết tâm hành động bất chấp hoàn cảnh không thuận lợi; luôn có ý thức học hỏi, không ngừng trau dồi năng lực và có khát vọng vượt khó, vươn lên để thành đạt.
3.2.    Phẩm chất đạo đức nghề nghiệp
-    Chăm chỉ, nhiệt tình, kiên trì và say mê công việc, trung thực, có tinh thần trách nhiệm và đáng tin cậy; phong cách làm việc chuyên nghiệp; tích cực khám phá kiến thức mới, tìm hiểu thực tiễn công việc;
-    Đảm bảo tính liêm chính, công bằng, vô tư, minh bạch, không phân biệt đối xử trong hoạt động công vụ, ví dụ khi làm nhiệm vụ biên-phiên dịch thì trung thành với văn bản gốc, không thêm bớt, chỉnh sửa hay bóp méo nội dung thông tin và thông điệp của tác giả hoặc của người phát ngôn;
Truyền đạt thông tin một cách trung thực và chính xác khi làm trong lĩnh vực Du lịch - Thương mại;
-    Phục vụ khách hàng với thái độ lịch sự, văn minh;
-    Đảm bảo bí mật thông tin của khách hàng; có thái độ đúng đắn và hiểu đươc tầm quan trọng của nhiệm vụ;
-    Cư xử đúng mực, thái độ hòa nhã, lịch sự với học sinh;
-    Ứng xử đúng mực, đoàn kết, hợp tác và cộng tác với đồng nghiệp.
3.3.    Phẩm chất đạo đức xã hội
-    Xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân, có tư cách, tác phong đúng đắn của công dân, có tinh thần tự tôn dân tộc; tuân thủ các chuẩn mực đạo đức trong các mối quan hệ xã hội, sống và làm việc có trách nhiệm với cộng đồng và đất nước; có lối sống lành mạnh, văn minh, phù hợp với bản sắc dân tộc.