logo
EN
VN

Mục tiêu đào tạo và chuẩn đầu ra – Ngôn ngữ Tây Ban Nha

Mục tiêu đào tạo
Đào tạo Cử nhân ngôn ngữ Tây Ban Nha có khả năng sử dụng thành thạo tiếng Tây Ban Nha tối thiểu bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam (tương đương trình độ C1 theo Khung năng lực ngôn ngữ chung châu Âu), có kiến thức chuyên sâu về ngôn ngữ, văn hóa các nước nói tiếng Tây Ban Nha, có kiến thức và các kỹ năng giao tiếp cần thiết để công tác trong các lĩnh vực biên phiên dịch, nghiên cứu ngôn ngữ, du lịch và thương mại. Sau khi tốt nghiệp, người học có thể tiếp tục tự học, tham gia các bậc học cao hơn, tích lũy kinh nghiệm, phẩm chất và kĩ năng cá nhân cũng như nghề nghiệp quan trọng để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn.

Chuẩn đầu ra
1.    Kiến thức
Tốt nghiệp chương trình đào tạo, sinh viên có kiến thức lý thuyết chuyên sâu trong lĩnh vực đào tạo; nắm vững kỹ thuật và có kiến thức thực tế để có thể giải quyết các công việc chuyên môn; tích luỹ được kiến thức nền tảng về các nguyên lý cơ bản, các quy luật tự nhiên và xã hội trong lĩnh vực được đào tạo để phát triển kiến thức mới và có thể tiếp tục học tập ở trình độ cao hơn; có kiến thức quản lý, điều hành, kiến thức pháp luật và bảo vệ môi trường liên quan đến lĩnh vực được đào tạo; và có các kiến thức cụ thể theo các nhóm sau:
1.1.    Kiến thức chung
-    Hiểu và vận dụng được vào thực tiễn hệ thống tri thức khoa học những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác Lênin - học thuyết khoa học và chân chính nhất được cấu thành từ ba bộ phận lý luận có mối quan hệ thống nhất biện chứng với nhau: Triết học Mác Lênin, Kinh tế chính trị Mác Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học. Hiểu được những kiến thức cơ bản, có tính hệ thống về tư tưởng, đạo đức, giá trị văn hóa Hồ Chí Minh, những nội dung cơ bản của Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, chủ yếu là đường lối trong thời kỳ đổi mới trên một số lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội;
-    Sử dụng được các công cụ xử lý thông tin thông dụng trên máy tính (hệ điều hành, các phần mềm hỗ trợ công tác văn phòng và khai thác Internet...);
-    Trình độ ngoại ngữ 2 tối thiểu bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam. Có thể hiểu nội dung chính các cuộc đối thoại, độc thoại về các vấn đề quen thuộc trong đời sống, văn hóa, xã hội; có thể tham gia đối thoại và trình bày ý kiến, quan điểm về các chủ đề quen thuộc; có thể đọc hiểu các thông tin cần thiết và thâu tóm được ý chính các văn bản liên quan đến các vấn đề văn hóa, xã hội quen thuộc; có thể ghi các ý chính khi nghe và đọc được, có thể viết thư giao dịch trong các tình huống quen thuộc trong đời sống văn hóa, xã hội;
Hiểu và vận dụng được những kiến thức khoa học cơ bản trong lĩnh vực thể dục thể thao vào quá trình tập luyện và tự rèn luyện để củng cố và tăng cường sức khỏe, thể lực;
-    Hiểu rõ nội dung cơ bản về đường lối quân sự và nhiệm vụ công tác quốc phòng - an ninh của Đảng, Nhà nước trong tình hình mới.
-    Nắm vững và hiểu biết tri thức văn hóa-xã hội, nghệ thuật, phát triển năng lực tư duy phê phán, hình thành phương pháp học tập ngoại ngữ có hiệu quả.
-    Vận dụng được kiến thức cơ bản về khoa học thống kê trong học tập và nghiên cứu khoa học liên quan đến ngành đào tạo;
-    Có khả năng tìm hiểu và khám phá mối quan hệ giữa bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ở tầm quốc gia hay quốc tế và đóng góp vào việc bảo vệ môi trường.
1.2.    Kiến thức theo khối ngành
-    Nắm vững và vận dụng được những kiến thức cơ bản về văn hóa nhận thức và văn hóa tổ chức đời sống của người Việt, qua đó có lòng nhân ái, ý thức và trách nhiệm đối với di sản văn hóa dân tộc và tương lai của văn hóa Việt Nam;
-    Nắm được bản chất và chức năng, nguồn gốc và sự phát triển của ngôn ngữ, các khái niệm cơ bản về ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa học, dụng học tiếng Việt để phục vụ việc học tập và nghiên cứu ngoại ngữ, phát triển chuyên môn, nghề nghiệp sau này;
-    Vận dụng được kỹ năng sử dụng tiếng Việt như tiếp nhận văn bản, tạo lập văn bản nhằm tăng cường khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt;
1.3.     Kiến thức tiếng
-    Sinh viên có khả năng sử dụng thành thạo tiếng Tây Ban Nha tối thiểu ở bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam ở 4 kỹ năng nghe, nói, đọc và viết;
-    Sinh viên có kiến thức khái quát về các đặc điểm văn hóa và giao thoa văn hóa của các nước nói tiếng Tây Ban Nha; có thể vận dụng các kiến thức này trong các kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm, nghiên cứu, tranh luận về các vấn đề có liên quan bằng tiếng Tây Ban Nha.
1.4.     Kiến thức cơ sở ngành
-    Nắm được các kiến thức cơ bản về địa lý thế giới, có vốn hiểu biết tốt về địa lý, lịch sử, văn học, kinh tế, chính trị, xã hội của các nước nói tiếng Tây Ban Nha, và thể hiện được các kiến thức đó bằng tiếng Tây Ban Nha;
-    Nắm bắt được các vấn đề cơ bản của Ngữ âm học và âm vị học tiếng Tây Ban Nha để phát âm đúng tiếng Tây Ban Nha; các kỹ năng phân tích ngữ nghĩa của từ, của ngữ pháp cũng như các cách diễn ngôn trong tiếng Tây Ban Nha.
1.5.    Kiến thức ngành
-    Chương trình đào tạo có 2 định hướng chuyên ngành: Biên phiên dịch và Du lịch – Thương mại
-    Sinh viên hoàn thành chương trình Ngôn ngữ Tây Ban Nha định hướng Biên phiên dịch sẽ có các kiến thức về lý thuyết dịch, có thể áp dụng các kỹ năng này trong công tác biên phiên dịch. Thông qua chương trình thực tập phiên dịch, sinh viên có cơ hội vận dụng một cách thành thạo các kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ phiên dịch đã học vào công việc thực tiễn tại các văn phòng, công ty,… đồng thời mở rộng các kỹ năng cần thiết khác của người phiên dịch, làm quen với thực tế thị trường và xã hội, trở nên tự tin với nghề nghiệp hơn.
-    Sinh viên hoàn thành chương trình Ngôn ngữ Tây Ban Nha định hướng Du lịch – Thương mại sẽ có kiến thức cơ bản về lĩnh vực du lịch và thương mại phục vụ cho các công việc có liên quan đến điều hành, hướng dẫn viên du lịch, thiết kế chương trình du lịch, bán tour du lịch, chăm sóc khách hàng, lễ tân,…; được trang bị kiến thức về văn hóa của các nước nói tiếng Tây Ban Nha, có hiểu biết về các nền văn hóa khác nhau của Việt Nam và cộng đồng các nước nói tiếng Tây Ban Nha và vận dụng linh hoạt trong thực tiễn nghề nghiệp du lịch. Sinh viên được đi thực tập tại công ty du lịch để vận dụng các kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ đã học
2.    Kỹ năng
2.1.     Kỹ năng cá nhân
-    Chăm chỉ, nhiệt tình và say mê công việc; có khả năng quản lí thời gian, kỹ năng học và tự học, kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề, đưa ra giải pháp, kiến nghị, kỹ năng phân tích, tổng hợp;
-    Phát huy hiệu quả các kiến thức chuyên môn và phát triển tiềm năng cá nhân, đáp ứng tốt hơn, thích ứng nhanh hơn với tình hình thực tế và nhu cầu của xã hội cũng như đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng;
-    Có kỹ năng làm việc trong các nhóm hiệu quả;
-    Giao tiếp tốt bằng văn bản và lời nói (trao đổi, thuyết trình); áp dụng những kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tinh tế trong các hoàn cảnh cụ thể và đa dạng;
-    Có thể sử dụng thành thạo các công cụ công nghệ thông tin phục vụ cho công tác chuyên môn, học tập chuyên sâu và nghiên cứu.
2.2.     Kỹ năng nghề nghiệp
-    Có kỹ năng vận dụng một cách linh hoạt các kiến thức lý thuyết và thực tiễn của ngành được đào tạo để có thể đảm nhiệm các công việc khác nhau ở những vị trí công tác khác nhau;
-    Có năng lực phát triển nghề nghiệp; tự đánh giá, tự học và tự rèn luyện nhằm nâng cao năng lực bản thân, chất lượng, hiệu quả công việc. Biết phát hiện và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong hoạt động nghề nghiệp; không ngừng sáng tạo và phát triển nghề nghiệp thông qua quá trình tự học, tự nghiên cứu, áp dụng những tiến bộ mới trong các hoạt động nghề nghiệp;
-    Có khả năng tự đánh giá kết quả công việc, hoàn thành công việc đúng hạn, đặt mục tiêu, tự phát triển bản thân, tự trau dồi và phát triển nghề nghiệp;
3.    Phẩm chất đạo đức
3.1.    Phẩm chất đạo đức cá nhân
-    Xác định rõ Chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam, nền tảng tư tưởng cho mọi hoạt động trong thực tiễn. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
-    Có tinh thần yêu nước, chấp hành nghiêm chỉnh đường lối của Đảng và pháp luật của nhà nước, tuân thủ các tiêu chuẩn và nguyên tắc đạo đức.
3.2.    Phẩm chất đạo đức nghề nghiệp
-    Có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, trung thực, tích cực hoàn thành mọi nhiệm vụ công tác;
-    Tuân thủ các tiêu chuẩn và nguyên tắc đạo đức của nghề nghiệp;
-    Có ý thức vươn lên, không ngừng học hỏi trau dồi nâng cao trình độ;
-    Có thái độ hòa nhã, thân thiện với đồng nghiệp; có tinh thần đoàn kết, hợp tác, cộng tác với đồng nghiệp để công việc đạt được hiệu quả cao nhất.
3.3.    Phẩm chất đạo đức xã hội
-    Sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ có thái độ tích cực, nghiêm túc, cần cù, có sức khỏe tốt, có phẩm chất chính trị trong sáng, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt;
-    Cử nhân có khả năng quản lí thời gian, có ý thức làm việc tự chủ độc lập, có ý thức trách nhiệm trong làm việc theo nhóm, tận tụy và tác phong mẫu mực với công việc và có ý thức tự giác trong xử lý, phân tích các vấn đề để đưa ra phương hướng giải quyết cũng như ý thức vươn lên.