logo
EN
VN

Hanoi3CK

HanuTuchu

Logo-bo-gd-dt

HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH ĐÀO TẠO (III)

CHƯƠNG II:  TỔ CHỨC ĐÀO TẠO

1. Thời gian và kế hoạch đào tạo

1. Nhà trường tổ chức đào tạo theo khoá học, năm học và học kỳ.

Khoá học là thời gian thiết kế để sinh viên hoàn thành một chương trình cụ thể. Chương trình đào tạo trình độ đại học được thực hiện từ bốn đến sáu năm học tùy theo ngành nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp; từ hai năm rưỡi đến bốn năm học đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành đào tạo; từ một năm rưỡi đến hai năm học đối với người có bằng tốt nghiệp cao đẳng cùng ngành đào tạo.

Một năm học có hai học kỳ chính, mỗi học kỳ chính có ít nhất 15 tuần thực học và 3 tuần thi. Ngoài hai học kỳ chính, Hiệu trưởng xem xét quyết định tổ chức thêm một  học kỳ phụ để sinh viên có điều kiện được học lại; học bù hoặc học vượt. Mỗi học kỳ phụ có ít nhất 5 tuần thực học và 1 tuần thi.

2. Căn cứ vào khối lượng và nội dung kiến thức tối thiểu quy định cho các chương trình, Hiệu trưởng duyệt phân bổ số học phần cho từng năm học, từng học kỳ do các khoa đề xuất thông qua phòng Đào tạo.

3. Thời gian tối đa hoàn thành chương trình bao gồm: thời gian thiết kế cho chương trình của Trường ĐHHN (4 năm đối với các chuyên ngành ngoại ngữ và 4.5 năm đối với các chuyên ngành kinh tế - xã hội - công nghệ), cộng với 4 học kỳ đối với các khoá học từ 3 đến dưới 5 năm theo Quy chế 43 của Bộ GD&ĐT.

Tùy theo điều kiện đào tạo của Nhà trường, Hiệu trưởng quy định thời gian tối đa cho mỗi chương trình, nhưng không được vượt quá hai lần so với thời gian thiết kế cho chương trình đó.

Các đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên theo quy định tại Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy không bị hạn chế về thời gian tối đa để hoàn thành chương trình.

2. Đăng ký nhập học

1. Mọi thủ tục đăng ký nhập học phải được hoàn thành trong thời hạn theo quy định tại Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy hiện hành.

2. Sinh viên nhập học được trường cung cấp đầy đủ các thông tin về mục tiêu, nội dung và kế hoạch học tập của các chương trình, quy chế đào tạo, nghĩa vụ và quyền lợi của sinh viên.

3. Khi đăng ký vào học hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ tại Trường ĐHHN sinh viên phải nộp cho phòng Đào tạo hoặc các khoa đơn xin học theo hệ thống tín chỉ theo mẫu do trường quy định. Tất cả giấy tờ khi sinh viên nhập học phải được xếp vào túi hồ sơ của từng cá nhân do phòng đào tạo của trường quản lý.

4. Sau khi xem xét thấy đủ điều kiện nhập học, phòng Đào tạo trình Hiệu trưởng ký quyết định công nhận người đến học là sinh viên chính thức của trường và cấp cho họ: Thẻ sinh viên, Sổ đăng ký học tập; Phiếu nhận cố vấn học tập.

3. Sắp xếp sinh viên vào học các chương trình hoặc ngành đào tạo

Trường ĐHHN xác định điểm trúng tuyển theo chương trình (hoặc theo ngành đào tạo) trong kỳ thi tuyển sinh Đại học. Thí sinh đạt yêu cầu xét tuyển được trường sắp xếp vào học các chương trình (hoặc ngành đào tạo) đã đăng ký khi dự thi tuyển sinh.

4. Tổ chức lớp học

Lớp học được tổ chức theo từng học phần dựa vào đăng ký khối lượng học tập của sinh viên ở từng học kỳ. Hiệu trưởng quy định số lượng sinh viên tối thiểu cho mỗi lớp học tùy theo từng loại học phần được giảng dạy trong trường. Nếu số lượng sinh viên đăng ký thấp hơn số lượng tối thiểu quy định thì lớp học sẽ không được tổ chức và sinh viên phải đăng ký chuyển sang học những học phần khác có lớp, nếu chưa đảm bảo đủ quy định về khối lượng học tập tối thiểu cho mỗi học kỳ.

(còn tiếp)