logo
EN
VN

Hiệp định công nhận tương đương văn bằng giáo dục đại học giữa Việt Nam và Trung Quốc

Hiệp định công nhận tương đương văn bằng giáo dục đại học
giữa
Bộ Giáo dục và Đào tạo
nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Bộ Giáo dục
nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

Bộ Giáo dục và Đào tạo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Giáo dục nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (sau đây gọi tắt là “các Bên”),
Nhận rõ được lợi ích của việc thiết lập một cơ chế hỗ trợ cho việc di chuyển của sinh viên và giáo viên giữa Việt Nam và Trung Quốc;
Đã thỏa thuận như sau:

(中国版 pdf, doc | English Version)


Điều 1
Mục tiêu của Hiệp định

Hiệp định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi việc công nhận lẫn nhau các văn bằng, chứng chỉ, cấp cho sinh viên hoặc người tốt nghiệp tại Việt Nam và Trung Quốc và tạo điều kiện cho sự di chuyển sinh viên và học viên hai Bên tiếp tục theo học lên tại nước Bên kia. Bộ Giáo dục và Đào tạo (BGDĐT) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Giáo dục (BGD) nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa sẽ chỉ định các cơ quan chức năng cung cấp các thông tin về công nhận bằng cấp và đưa ra những khuyến nghị cụ thể theo đúng quy chế và thông lệ để khuyến khích trao đổi và hợp tác giáo dục.

Điều 2
Phạm vi điều chỉnh của Hiệp định

2.1 Hiệp định này áp dụng đối với việc công nhận bằng tốt nghiệp, văn bằng và các chứng nhận bằng cấp giáo dục đại học do tất cả các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam như đã nêu trong danh mục đính kèm theo đây, và cũng như đối với những bằng tốt nghiệp, văn bằng và các chứng nhận bằng cấp giáo dục đại học do tất cả các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu của Trung Quốc, như đã nêu trong danh mục đính kèm theo đây. Hai Bên thường xuyên cập nhật danh mục các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu được phép của Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc cấp văn bằng và chưgns nhận bằng cấp giáo dục đại học thông qua đường ngoại giao.

2.2 Hai Bên tôn trọng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học và các cơ quan chức năng của Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc trong việc ra quyết định riêng của trường trong việc công nhận bằng cấp của nước ngoài.

Điều 3
Giới thiệu khung bằng cấp giáo dục ở Việt Nam và Trung Quốc

3.1 Tại Trung Quốc
Hệ thống trường phổ thông ở Trung Quốc theo cấu trúc 6-3-3 trong đó sáu năm giáo dục tiểu học và ba năm giáo dục trung học cơ sở là bắt buộc. Theo Luật giáo dục bắt buộc của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, giáo dục trung học phổ thông sẽ dẫn đến việc cấp Bằng tốt nghiệp Phổ thông trung học. Bằng cấp trong giáo dục đại học bao gồm bằng tốt nghiệp cao đẳng, giấy chứng nhận tốt nghiệp đại học, bằng cử nhân, giấy chứng nhận sau đại học, bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ, cụ thể như sau:

Bằng tốt nghiệp cao đẳng

Học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học có thể được nhận vào học trường cao đẳng nghề hoặc cao đẳng kỹ thuật nếu học sinh đó thi đỗ kỳ thi quốc gia tuyển sinh đại học. Sinh viên có thể được cấp bằng cao đẳng sau khi hoàn thành khóa học hai hoặc ba năm.

Học sinh không được nhận vào học trường cao đẳng nghề hoặc cao đẳng kỹ thuật có thể được cấp bằng cao đẳng nếu qua được kỳ thi Quốc gia dành cho sinh viên tự học.

Chứng nhận tốt nghiệp đại học và Bằng Cử nhân

Học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học được tiếp nhận vào học các khóa học đại học (các khóa học bậc đại học) sau khi đã trúng tuyển kỳ thi Quốc gia tuyển sinh đại học. Sinh viên có thể được cấp chứng nhận tốt nghiệp đại học sau khi hoàn thành khóa học đại học bốn năm (năm năm đối với ngành y). Sinh viên đạt yêu cầu có thể xin cấp bằng cử nhân.

Học sinh không được nhận vào khóa học đại học chính quy có thể được cấp bằng cử nhân nếu qua được kỳ thi Quốc gia dành cho sinh viên tự học. Sinh viên đạt yêu cầu có thể xin cấp bằn cử nhân với điều kiện cơ ở giáo dục đó được phép cấp bằng cử nhân.

Bằng thạc sĩ

Người có bằng cử nhân hoặc tương đương có thể được nhận vào học tại cơ ở giáo dục được phép cấp bằn thạc sĩ (cơ sở giáo dục đại học hoặc viện nghiên cứu được phép cấp bằng thạc sĩ) sau khi qua được kỳ thi tuyển sinh sau đại học để học tập hoặc làm nghiên cứu trong hai đến ba năm và sẽ được cấp bằn thạc sĩ nếu đạt yêu cầu.

Bằng tiến sĩ

Người có bằng thạc sĩ có thể được nhận vào học tại cơ sở giáo dục được phép cấp bằn tiến sĩ (cơ sở giáo dục đại học hoặc viện nghiên cứu được phép cấp bằng tiến sĩ) sau khi qua được kỳ thi theo yêu cầu để học tập hoặc làm nghiên cứu trong ba năm hoặc lâu hơn và sẽ được cấp bằng tiến sĩ nếu đạt yêu cầu.

Người có bằn thạc sĩ cũng có thể xin học và được cấp bằng tiến sĩ tại cơ sở giáo dục được phép cấp bằng tiến sĩ theo hình thức học tại chức nếu đạt yêu cầu.

Một số cơ sở được phép đào tạo tiến sĩ có các chương trình đào tạo từ cử nhân lên tiến sĩ. Người có bằng cử nhân theo học các chương trình này có thể được cấp bằng tiến sĩ sau năm năm học tập và/hoặc nghiên cứu.

3.2 Tại Việt Nam

Hệ thống trường phổ thông ở Việt Nam theo cấu trúc 5-4-3 trong đó năm năm giáo dục tiểu học là bắt buộc. Theo Luật giáo dục của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giáo dục trung học phổ thông sẽ dẫn đến việc cấp Bằng tốt nghiệp Phổ thông trung học. Bằng cấp trong giáo dục đại học bao gồm bằng tốt nghiệp cao đẳng (associate degree), bằng cử nhân (bachelor degree), bằng thạc sĩ (master degree), bằng chuyên khoa trong lĩnh vực y tế (higher graduate diploma in healthcare) và bằng tiến sĩ (doctor degree), cụ thể như sau:

Bằng tốt nghiệp cao đẳng

Chương trình lấy bằng cao đẳng được xây dựng nhằm phát triển các kiến thức và kỹ năng để được tuyển dụng trong lĩnh vực quản lý hoặc bán chuyên nghiệp với nền tảng kiến thức kỹ thuyết và nghiên cứu để có thể học tiếp lên trình độ cử nhân. Ứng viên xin vào ở bậc học này phải hoàn chỉnh chương trình giáo dục trung học phổ thông hoặc tương đương.

Bằng cử nhân

Học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học được nhận vào học các khóa học đại học sau khi trúng tuyển kỳ thi Quốc gia tuyển sinh đại học. Sinh viên có thể được cấp bằng cử nhân sau khi hoàn thành chương trình đại học bốn năm (năm năm đối với ngành y).

Bằng thạc sĩ

Ứng viên theo bậc học này phải có bằng cử nhân hoặc tương đương. Học viên có thể lựa chọn theo hướng nghiên cứu và làm luận văn hoặc theo hướng môn học và nghiên cứu độc lập.

Bằng chuyên khoa trong lĩnh vực y học

Bằng chuyên khoa là bằng cấp chuyên môn bậc cao đòi hỏi phải có nghiên cứu chuyên ngành ở giữa bậc cử nhân và thạc sĩ. Sinh viên phải có bằng bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi được tham gia chương trình này và chương trình này cho phép học tối đa là ba năm.

Bằng tiến sĩ

Bằng tiến sĩ là bằng cao nhất về học vấn của chương trình sau đại học. Ứng viên vào học trình độ này phải có bằng thạc sĩ hoặc tương đương.

Điều 4
Chấp nhận sinh viên tốt nghiệp các cơ sở giáo dục đại học và các viện nghiên cứu của Việt Nam vào học tại Trung Quốc

4.1 Các cơ sở giáo dục đại học Trung Quốc bảo lưu quyền quy định trình độ, văn bằng, xếp loại và kết quả thi để được vào học các khóa/ngành học theo quy định của cơ sở đào tạo.

4.2 Cơ quan được chính phủ giao thẩm quyền tại Trung Quốc xác định trình độ và bằng cấp tương đương của ứng viên so với trình độ và bằng cấp của Trung Quốc theo quy định của cơ quan đó. Để có chứng chỉ hành nghề do các hiệp hội nghề nghiệp cấp và công nhận, ứng viên phải đáp ứng được các yêu cầu của hiệp hội đó.

4.3 Người có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học hoặc tương đương của cơ sở giáo dục được chính thức công nhận tại Việt Nam có thể được xem xét vào học lấy bằng cử nhân tại Trung Quốc tùy thuộc vào yêu cầu cụ thể của cơ sở tiếp nhận.

4.4 Người có bằng cử nhân của cơ sở giáo dục đại học được chính thức công nhận tại Việt Nam có thể được xem xét vào học lấy bằng thạc sĩ tại Trung Quốc tùy thuộc vào yêu cầu cụ thể của cơ sở tiếp nhận.

4.5 Người có bằng cử nhân với kết quả học tập xuất sắc hoặc bằng thạc sĩ tại Việt Nam có thể được xem xét vào học lấy bằng tiến sĩ tại Trung Quốc, tùy thuộc vào kết quả học tập trước đó, vào đề cương nghiên cứu và những yêu cầu cụ thể của cơ sở tiếp nhận.

Điều 5
Chấp nhận sinh viên tốt nghiệp các cơ sở giáo dục đại học và các viện nghiên cứu của Trung Quốc vào học tại Việt Nam

5.1 Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam bảo lưu quyền quy định độ, văn bằng, xếp loại và kết quả thi để được vào học các môn học theo quy định của cơ sở đó.

5.2 Cơ quan được chính phủ giao thẩm quyền tại Việt Nam xác định trình độ và bằng cấp tương đương của ứng viên so với trình độ và bằng cấp của Việt Nam theo quy định của cơ quan đó. Để có chứng chỉ hành nghề do các hiệp hội nghề nghiệp cấp và công nhận, ứng viên phải đáp ứng được yêu cầu của hiệp hội đó.

5.3 Người có bằng cử nhân của cơ sở giáo dục đại học được chính thức công nhận tại Trung Quốc có thể được xem xét vào học lấy bằng thạc sĩ tại Việt Nam tùy thuộc vào yêu cầu cụ thể của cơ sở tiếp nhận.

5.5 Người có bằng thạc sĩ tại Trung Quốc có thể được xem xét vào học lấy bằng tiến sĩ tại Việt Nam, tùy thuộc vào đề cương nghiên cứu và những yêu cầu cụ thể của cơ sở tiếp nhận.

Điều 6
Điều chỉnh và giải quyết khác biệt

Hiệp định này có thể được điều chỉnh khi được các Bên nhất trí bằng văn bản. Những khác biệt nảy sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định này sẽ được giải quyết thông qua tham vấn giữa các Bên.

Điều 7
Hiệu lực của Hiệp định

Hiệp định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày hai Bên ký kết. Mỗi bên đều có quyền chấm dứt hoặc sửa đổi bổ sung Hiệp định bằng cách thông báo cho Bên kia biết trước ít nhất sáu tháng ý định chấm dứt hoặc sửa đổi bổ sung Hiệp định này bằng văn bản thông qua con đường ngoại giao.

Hiệp định này được ký tại Bắc Kinh ngày 30 tháng Tư năm 2009 thành hai bản gốc bằng tiếng Việt, tiếng Hán và tiếng Anh; các văn bản đều có giá trị ngang nhau. Trong trường hợp có sự hiểu khác nhau, văn bản tiếng Anh sẽ được dùng làm cơ sở.

                               THAY MẶT                                                                      THAY MẶT
                 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO                                                      BỘ GIÁO DỤC
        NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA                                 NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN
                               VIỆT NAM                                                                       TRUNG HOA

                                   (đã ký)                                                                               (đã ký)
                       Nguyễn Thiện Nhân                                                                      Chu Tế
                               Bộ trưởng                                                                           Bộ trưởng

 

(中国版, English Version)