logo
EN
VN

Giới thiệu tóm tắt Dự án ERASMUS+ CBHE 609879 « Đổi mới quản trị đại học tại Đông Nam Á » (PURSEA)

I. Bối cảnh xây dựng Dự án
Giáo dục đại học của các nước trên thế giới nói chung và ở Việt Nam cũng như Campuchia nói riêng đang phải đối mặt với nhiều sự thay đổi ở trên tất cả các mặt : kinh tế, xã hội, môi trường, công nghệ, phát luật. Những thay đổi này buộc các cơ sở giáo dục đại học phải xem xét lại mô hình, nội dung, phương thức đào tạo để có thể đáp ứng và thích nghi với điều kiện mới, vượt qua những thách thức như : vai trò và trách nhiệm xã hội của trường đại học trong sự phát triển của một quốc gia, nhu cầu học tập suốt đời, sự phát triển của khoa học công nghệ đặc biệt là công nghệ kỹ thuật số…

200601 Du an Pursea_logo  Bên cạnh đó, trong môi trường nội tại của một trường đại học tại Đông Nam Á, quá trình tự chủ đại học, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và chất lượng đào tạo để đáp ứng chuẩn khu vực và quốc tế, đa dạng hóa các ngành đào tạo để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của nền kinh tế, đa dạng nguồn thu để đảm bảo sự tồn tại của các trường đang là bài toán cần phải giải quyết. Nâng cao năng lực, cải thiện chất lượng quản trị theo hướng tự chủ, tiên tiến và hiệu quả đang là xu hướng chính mà các cơ sở giáo dục đại học theo đuổi để giải bài toán này.

 

Giáo dục đại học của các nước Đông Nam Á như Việt Nam và Campuchia cũng không nằm ngoài xu hướng trên. Những thay đổi này thúc đẩy chính phủ các nước ban hành các thể chế yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học thay đổi và thích nghi. Cụ thể :

Ở Campuchia, những định hướng chiến lược về chính sách giáo dục đại học – tầm nhìn 2030 yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học “xây dựng kế hoạch cải thiện chất lượng quản trị và quản lý trong lĩnh vực giáo dục đại học” và “xây dựng kế hoạch thành lập một trường đại học kiểu mẫu, chất lượng cao, vận hành dựa trên cơ chế tự chủ”. 200601 Du an Pursea_logo_01

Ở Việt Nam, Quốc hội đã ban hành Luật số 34/2018/QH14 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học trong đó có những điều chỉnh quan trọng về định hướng và chính sách phát triển giáo dục đại học, đặc biệt là về nội dung mở rộng và trao quyền quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục.

Bên cạnh đó, mỗi địa phương, thành phố đều có đặc thù riêng và nhu cầu phát triển dựa trên đặc thù đó, dẫn tới việc các trường đại học đặt trên địa bàn này phải có trách nhiệm xã hội trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường cơ hội việc cho sinh viên, cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu địa phương. Đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, các trường cần phải tái cấu trúc hoạt động nghiên cứu nhằm giải quyết các bài toán thực tế mà nền kinh tế, xã hội của địa phương, quốc gia đang đặt ra.

Đối mặt với những thách thức này, các cơ sở giáo dục đại học khó có thể thành công khi vẫn triển khai hoạt động quản trị theo cơ chế cũ như: lập kế hoạch khi không đủ dữ liệu phân tích bối cảnh phát triển; thiếu những dự đoán chính xác về xu hướng thay đổi của nền kinh tế, xã hội; xây dựng và triển khai các kế hoạch hoạt động hằng năm thay vì kế hoạch dài hạn; kế hoạch được lập thiếu các chỉ số, chỉ báo cụ thể để theo dõi hiệu quả thực hiện; năng lực quản lý, điều hành, giám sát và kiểm tra/đánh giá của đội ngũ lãnh đạo và cán bộ khoa học chưa phù hợp với bối cảnh mới; thiếu đầu tư cho đào tạo cán bộ về hoạch định chiến lược để triển khai đổi mới mô hình quản trị giáo dục đại học.

Để hỗ trợ các trường đại học trong khu vực giải quyết các thách thức nêu trên, Tổ chức các trường đại học Pháp ngữ - Văn phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương (AUF-DRAP) đã kết nối 15 trường đại học tại châu Âu và châu Á để cùng xây dựng Dự án « Đổi mới quản trị đại học tại Đông Nam Á » (PURSEA).

Tháng 12 năm 2019, trong khuôn khổ các dự án Erasmus+ K2 nâng cao năng lực trong lĩnh vực giáo dục đại học do Ủy ban châu Âu tài trợ, Dự án « Đổi mới quản trị đại học tại Đông Nam Á » (PURSEA) do Trường Đại học Hà Nội điều phối đã được Cơ quan điều hành Giáo dục, Nghe nhìn và Văn hóa (EACEA) thuộc Ủy ban châu Âu lựa chọn, tài trợ và thực hiện trong 03 năm từ ngày 15 tháng 1 năm 2020 đến ngày 15 tháng 01 năm 2023.

Dự án PURSEA gồm 16 thành viên: 6 trường đại học Việt Nam và 2 trường đại học Campuchia là các đơn vị trực tiếp thụ hưởng kết quả dự án, triển khai đổi mới cơ chế quản trị đại học; 5 trường đại học và viện nghiên cứu của Pháp, 1 trường đại học của Bỉ và 1 trường đại học của Đức là các đơn vị cung cấp chuyên gia và kinh nghiệm quản trị đại học; AUF đóng vai trò đồng điều phối, quản lý hành chính và tài chính của dự án. 

II. Mục đích, mục tiêu của Dự án

Dự án PURSEA có mục đích chính là tăng cường năng lực quản trị đại học cho 8 cơ sở giáo dục đại học ở Đông Nam Á thông qua việc hỗ trợ xây dựng và triển khai hoạch định chiến lược phát triển của từng trường, phù hợp với bối cảnh và đặc điểm của mỗi trường. 

Các đối tác của dự án sẽ hợp tác nghiên cứu, trao đổi và xây dựng mô hình quản trị từ khi khâu hoạch định chiến lược phát triển cho đến việc xây dựng và triển khai kế hoạch hành động phù hợp với đặc thù của từng trường đại học. 

Cụ thể, Dự án sẽ hỗ trợ các trường thành viên triển khai hoạt động để đạt được các mục tiêu sau :

1. Xây dựng các phương pháp và công cụ cần thiết giúp nâng cao năng lực hoạch định chiến lược phát triển và xây dựng các kế hoạch hành động cho từng cơ sở giáo dục đại học là thành viên của dự án, phù hợp với bối cảnh của quốc gia, khu vực và đặc thù của từng trường. 

Kết quả cần đạt :
- Một chiến lược phát triển đổi mới và hiệu quả hơn cho mỗi trường đại học thành viên (chiến lược chung cho nhiều lĩnh vực hoạt động của nhà trường).
- Các kế hoạch hành động chi tiết để cụ thể hóa chiến lược phát triển cho mỗi trường thành viên.

2. Triển khai thực hiện một kế hoạch hành động ưu tiên của trường cũng như các giải pháp quản trị và hỗ trợ sự thay đổi tại mỗi trường.
Kết quả cần đạt :
- Một kế hoạch hành động ưu tiên được đưa vào triển khai.
- Các giải pháp tổng thể về quản trị và quản lý cũng như hỗ trợ sự thay đổi.

3. Xây dựng các công cụ cho phép tập hợp, chia sẻ và tư vấn, hỗ trợ hoạch định chiến lược cũng như hỗ trợ quá trình thay đổi mô hình quản trị và quản lý các cơ sở giáo dục đại học. 
Kết quả cần đạt :
- Một hệ thống chia sẻ thông tin và chuyển giao kết quả, sản phẩm, bộ công cụ của dự án cho các trường đại học và các cá nhân quan tâm. 

III. Hoạt động chính, đơn vị phụ trách và kết quả cần đạt
Trong các nhóm hoạt động dưới đây, nhóm WP 2, 3, 4, 5, 6 là các nhóm quan trọng nhất của dự án, trong đó:
- WP 2, 3, 4: Khảo sát thực trạng để xây dựng chiến lược phát triển của một trường đại học.
- WP 5: Soạn thảo chiến lược phát triển và các kế hoạch hành động cụ thể cho từng lĩnh vực.
- WP 6: Triển khai thí điểm một kế hoạch hành động mà Nhà trường ưu tiên.