logo
EN
VN

Lab-Movie và hoạt động thực hiện Dự án

200601 Du an LAB_MOVIE_logoSự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong hơn 30 năm qua là rất đáng ghi nhận. Các chính sách cải cách đã đưa Việt Nam từ một quốc gia nghèo trở thành một quốc qua có nền kinh tế năng động và sẵn sàng hòa nhập với kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, năng suất lao động vẫn luôn là vấn đề nổi cộm của người lao động Việt Nam. Từ năm 1990 đến nay, sự tăng trưởng của nhiều lĩnh vực đã có dấu hiện chậm lại do sự hạn chế về trình độ kỹ năng chuyên môn của người lao động. Đào tạo nguồn nhân lực vẫn luôn là yêu cầu cấp thiết bởi mới chỉ có khoảng 20% nguồn nhân lực của Việt Nam được theo học các khóa đào tạo chuyên ngành và rất nhiều các kỹ năng được cung cấp trong các cơ sở giáo dục, đào tạo không phù hợp hoặc không cập nhật so với yêu cầu của thị trường lao động. Chính vì lý do trên, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các cở sở giáo dục, đào tạo trong việc chuẩn hóa các chương trình đào tạo nhằm đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường.

Lab - Movie (Labour Market Observatory in Vietnam universities) là Dự án “Khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp tại các trường đại học của Việt Nam” (mã số 609764-EPP-1-2019-1- ITEPPKA2-CBHE-SP) được quỹ Eramus+ của Liên minh châu Âu tài trợ trong giai đoạn 2020-2022. Đây là dự án hợp tác đa quốc gia nhằm chuyển giao năng lực cho các trường Đại học ở Việt Nam từ các tổ chức phát triển và các trường Đại học ở châu Âu.

Các thành viên tham gia dự án bao gồm: về phía Châu Âu Đại học Padova (UNIPD) - Italia, Đại học Salamanca (USAL) - Tây Ban Nha, Đại học Nova Lisbon (UNL) - Bồ Đào Nha, Công ty Steps Srl (Strategies and tools to enhance pepople’s skills) – Italia ; về phía Việt Nam có 5 trường đại học bao gồm: Trường Đại học Hà Nội (HANU), Đại học Thái Nguyên (TNU), Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA), Đại học Công nghiệp Hà Nội (HAUI), Đại học Nguyễn Tất Thành (NTTU) – Thành phố Hồ Chí Minh và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (HNSME). Trường Đại học Tổng hợp Padova giữ vai trò điều phối dự án phía Châu Âu và trường Đại học Hà Nội giữ vai trò điều phối quốc gia phía Việt Nam. 

Dự án Lab – Movie ra đời với những mục tiêu cụ thể như sau: 
• Cung cấp cái nhìn tổng quan về thị trường lao động thuộc ba nhóm ngành Du lịch, Công nghệ thực phẩm, Điện tử viễn thông và công nghệ thông tin của Việt Nam và một số nước Châu Âu;
• Thúc đẩy sự hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp, đưa ra đề xuất chỉnh sửa chương trình đào tạo để cải thiện chất lượng đào tạo tại các trường đại học theo nhu cầu hiệu quả của thị trường lao động;
• Cung cấp thông tin hữu ích cho sinh viên HEIs, hướng dẫn họ tìm kiếm việc làm;
• Hỗ trợ phát triển kinh tế tri thức, hỗ trợ doanh nghiệp địa phương, tạo việc làm, kích thích tăng trưởng kinh tế và cải thiện mức sống.

Kết quả nghiên cứu của dự án Lab- Movie sẽ giúp sinh viên các trường đại học của Việt Nam có định hướng trong quá trình học tập, đặc biệt cho sinh viên đang theo học năm thứ 3 và thứ 4 khi họ muốn để chọn văn bằng thứ hai để có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm. Dự án sẽ cung cấp thông tin giúp sinh viên có một ý tưởng rõ ràng về thị trường việc làm và lao động, định hướng nghề nghiệp tương lai trong thời gian học, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp xúc trực tiếp với công việc của các doanh nghiệp, được trau dồi các kỹ năng theo yêu cầu của nhà tuyển dụng. 

LAB_MOVIE cũng giúp giảng viên các trường đại học định hướng triển khai bài giảng và các hoạt động dạy học nhằm khuyến khích các kỹ năng cần thiết dựa trên yêu cầu và nhu cầu của các công ty. Các giảng viên sẽ hiểu rõ hơn khả năng và nhu cầu của sinh viên, sẽ thành công và hiệu quả hơn. Đài quan sát sẽ thu thập dữ liệu và cung cấp kết quả phân tích để giúp giảng viên triển khai các hoạt động đào tạo hiệu quả nhất nhằm tháo gỡ những khó khăn hiện có. 

Về phía doanh nghiệp, nền tảng dữ liệu của dự án sẽ cho phép cập nhật định kỳ nhu cầu lao động của nhà tuyển dụng và kết nối bền vững với các trường đại học. Một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra điểm yếu của sinh viên tốt nghiệp về kỹ năng chuyên môn, đặc biệt là kỹ năng thực hành. Việc thiếu các kỹ năng cơ bản dẫn đến việc sinh viên gặp khó khăn trong việc làm hài lòng nhà tuyển dụng và nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp của sinh viên khi ra trường. Các cơ sở đào tạo cần dựa vào nhu cầu tuyển dụng trong tương lai của doanh nghiệp để đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp. Nền tảng dự án sẽ tạo ra sự hợp tác thường xuyên và bền vững cho phép công ty cập nhật nhu cầu của họ, sẽ thúc đẩy đổi mới kịp thời các chương trình đào tạo, tổ chức cập nhật các khóa học để đáp ứng nhu cầu của các công ty. Cụ thể, Hiệp hội DNNVV Hà Nội với hơn 2.000 thành viên, cùng với HANU sẽ điều phối công việc với doanh nghiệp, cập nhật nhu cầu của doanh nghiệp và đóng góp vào sự phát triển bền vững trong tương lai của Đài quan sát. 

Doanh nghiệp cũng có thể đưa ra nhu cầu cập nhật kiến thức mới và các trường đại học sẽ là đối tác thỏa mãn nhu cầu này. Sự kết hợp tương hộ sẽ gắn chặt mối quan hệ giữa nha fturownfg và doanh nghiệp và người hưởng lợi sẽ là giảng viên, sinh viên và doanh nghiệp.

Hiện nay việc thực hiện dự án mới giới hạn trong 5 cơ sở giáo dục và ở địa phương có trường tham gia dự án nhưng trong tương lai dự án sẽ được phát triển thông qua việc mở rộng quy mô tham gia của nhiều trường ở nhiều địa phương, đa dạng hơn về ngành nghề với sự hợp tác của các doanh nghiệp liên quan.
Sau khi kết thúc gói công việc thứ nhất về tổng quan tình hình thị trường lao động Việt Nam và một số nước Châu Âu, từ ngày 16 đến ngày 18 tháng 11, các đối tác châu Âu tiến hành khóa đào tạo tập huấn online dành cho các trường đại học của Việt Nam về các phương pháp khảo sát và nghiên cứu để xây dựng cơ sở dữ liệu cho Đài quan sát. Khóa đào tạo tập huấn được tiến hành online với 2 đầu cầu: một tại trường Đại học Tổng hợp Padova – Italia và một tại Học viện nông nghiệp Việt Nam. Các đối tác thành viên của Việt Nam đã cử những nghiên cứu viên, chuyên gia về thống kê và chuyên gia công nghệ thông tin tham gia khóa tập huấn để được hướng dẫn cụ thể về phương pháp tiến hành nghiên cứu lập đài quan sát thị trường lao động. Khóa tập huấn bao gồm cả phiên đào tạo lý thuyết và phiên thảo luận nhóm, thực hành theo 03 lĩnh vực nghiên cứu là Du lịch, Công nghệ thực phẩm và Điện tử viễn thông - Công nghệ thông tin. Sau ba ngày làm việc nghiêm túc và hiệu quả, các thành viên đã thống nhất được phương pháp cũng như thời hạn cho các gói công việc tiếp theo.