logo
EN
VN

Thày Tây trên giảng đường ta

Thày giáo đứng úp mặt vào tường giả vờ... khóc. Cô giáo đóng vai nhà tuyển dụng phỏng vấn sinh viên trong buổi xin việc giả định. thày trò cùng nhau làm bánh pizza, cùng nhau nghiên cứu thơ cổ, cùng đi ăn bún chả, uống mía đá... Các giáo viên nước ngoài giảng dạy ở các trường ĐH Việt Nam đang "chinh phục" các sinh viên bằng sự nhiệt tình, tâm huyết và thân thiện như thế.

Học và thi đều rất... “Tây"

Image
Thày Presley đang hướng dẫn sinh viên Khoa tiếng Anh, ĐH Hà Nội thực hành nói tiếng Anh theo nhóm. Ảnh: Lan Hương
Trong phòng học của lớp 10A – 06, Khoa tiếng Anh, ĐH Hà Nội, ở một góc lớp, thày giáo người Mỹ Presley McFadden đang úp mặt vào tường và... khóc. Dưới lớp sinh viên cười nghiêng ngả. Nguyễn Thị Hoa, một sinh viên trong lớp giải thích: “thày đang nêu ví dụ về các hình phạt của cha mẹ dành cho con cái. Giờ học của thày Presley lúc nào cũng vui vẻ và sôi động như thế này bởi vì thày thường xen các đoạn hội thoại vui hoặc những hành động hài hước giúp chúng em nhanh hiểu bài và nhớ bài lâu hơn”.

Vào năm thứ nhất, hầu hết các sinh viên Khoa tiếng Hàn Quốc, ĐH Hà Nội đều lo lắng vì phải học với giáo viên Hàn Quốc trong khi chưa biết chữ tiếng Hàn nào. Nhưng Ngọc Mai, lớp H2-06 cho biết: “Cô Song, giáo viên Hàn Quốc lớp em thường hát một bài hát ngắn bằng tiếng Hàn, rồi giải nghĩa các từ trong bài. Có hôm cô lại cho chơi ô chữ, đố vui để tìm từ. Vì thế mà sau một tiết học, vốn từ vựng của chúng em tăng lên đáng kể”.

Hiện nay, ĐH Hà Nội đang có khoảng 30 giảng viên nước ngoài đến từ các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Trung Quốc... đang công tác. ĐH Ngoại thương có 5 giáo viên người Nhật, 1 giáo viên Canada và 2 giáo viên Mỹ. Một số trường ĐH khác như Viện ĐH Mở, ĐHDL Thăng Long... cũng mời giảng viên nước ngoài về cộng tác.

Giờ học của các giảng viên nước ngoài thường rất vui vẻ nhưng cũng rất nghiêm túc. sinh viên phải làm việc hết công suất, vận dụng hết khả năng tư duy và sáng tạo của mình mới đáp ứng được yêu cầu của bài học.

Phạm Hoàng Lan (Lớp Công tác Xã hội, ĐHDL Thăng Long) kể về giờ học môn Hành vi con người và Môi trường xã hội của cô giáo người Úc: “Sau khi dạy lý thuyết về huy động nguồn lực, xây dựng dự án, cô Pauline sẽ đưa ra các tình huống mẫu, lớp chia thành nhiều nhóm cùng thảo luận và tìm ra cách giải quyết. Cô giáo đóng vai đại diện chính quyền, chúng tôi phải trình bày dự án của mình thật thuyết phục sao cho “chính quyền” đồng ý bỏ tiền trợ giúp”.

Sau khi học môn Tự quản lý bản thân của thày giáo người Pháp Feredric, Nguyễn Hương Ly (K15, ĐHDL Thăng Long) hào hứng: “thày Feredric đã dạy chúng mình cách tự kiềm chế cơn bực bội, cách refresh (làm mới) bản thân để giữ được thăng bằng trong cuộc sống đầy áp lực”.

Còn với môn Kinh doanh xuất nhập khẩu ở khoa tiếng Anh thương mại, ĐH Ngoại thương, thày David yêu cầu sinh viên phải khảo sát thị trường thực tế và xây dựng các dự án xuất nhập khẩu thực tế.

Diễm Anh (lớp Anh 2 K42, ĐH Ngoại thương) chia sẻ: “Không chỉ truyền đạt những kiến thức chuyên ngành, mà các giảng viên nước ngoài còn hướng dẫn chúng em rất nhiều kỹ năng cần thiết trong công việc và cuộc sống. Các thày cô dạy cả kỹ năng tìm kiếm thông tin, chọn lọc thông tin trên internet, kỹ năng phỏng vấn và trả lời phỏng vấn xin việc làm, thuyết trình...”.

Đề kiểm tra và thi cũng rất… Tây. Môn Văn hoá Mỹ, thày David yêu cầu sinh viên phải cầm giấy bút, máy ghi âm đi một vòng quanh Hồ Gươm, phỏng vấn các khách du lịch người Mỹ về nguồn gốc của họ để thấy được sự đa dạng chủng tộc của nước Mỹ. Còn cô Susan lại cho sinh viên chia nhóm và trình diễn các vở kịch ngắn bằng tiếng Anh để chấm điểm phát âm.

Diễm Anh cho biết thêm: “thày Peter hướng dẫn bọn em cách viết đơn xin việc sao cho lịch sự và ấn tượng. Buổi thi được dàn dựng y như một buổi phỏng vấn. Bọn em phải ăn mặc lịch sự và trả lời những câu hỏi của nhà tuyển dụng do thày đóng vai. Nhờ vậy mà bây giờ hầu hết các sinh viên đều rất tự tin vào kỹ năng xin việc làm của mình”.

Cuối mỗi học kỳ, thày David còn tổ chức IB (International Business) Cup giữa các lớp với 3 vòng thi, mỗi vòng thi, các lớp cử 4 người tham gia. Các câu hỏi đều xoay quanh những kiến thức thày đã dạy trong học kỳ. Lớp chiến thắng sẽ được nhận phần thưởng đặc biệt là một chiếp cúp đổ đầy sô cô la. Cuộc thi không những là dịp giao lưu, học hỏi giữa các lớp mà còn thúc đẩy sự cạnh tranh, ganh đua lành mạnh giữa các sinh viên.

Thày “Tây” + trò ta = bạn bè + gia đình

Sang Việt Nam, xa gia đình, xa bạn bè, những học trò nhỏ trở thành những người bạn, người thân của các giáo viên nước ngoài.

Nhiều sinh viên Việt Nam vô cùng ngạc nhiên khi giáo viên nước ngoài luôn nhớ tên từng sinh viên, kể cả vài năm sau gặp lại. Ngoài sự tận tâm, các thày, cô còn có một “bí quyết” riêng.

Thanh Hằng (sinh viên năm thứ nhất, khoa tiếng Anh, ĐH Hà Nội) cho biết: “Buổi đầu tiên vào lớp, thày Presley chụp ảnh từng sinh viên, cho vào album và họ tên, lớp ở phía dưới. Các buổi học sau, thày đều mang album theo. Chỉ sau vài tuần là thày nhớ mặt thuộc tên từng sinh viên”.

Giáng sinh năm 2003, Khoa tiếng Anh, ĐH Hà Nội bỗng xuất hiện một “ông già” và một “bà già” Noel mặc bộ đồ đỏ, cầm trên tay túi quà rất to, đi từng lớp, tặng cho mỗi sinh viên một chiếc mũ màu đỏ và một túi kẹo rất ngon. Đó là vợ chồng thày Bob và cô Ginny Morstay, hai giáo viên Khoa tiếng Anh.

Thùy Linh (Lớp 2A-02) tâm sự: “Với một sinh viên chân ướt chân ráo vào trường như bọn em, chưa bao giờ chúng em cảm nhận được tình thày trò đầm ấm đến thế. thày cô tổ chức các trò chơi, thày Bob chơi ghita còn cô Ginny thì hát. Đó là Giáng sinh đặc biệt nhất mà em từng trải qua”.

Trong suốt ba năm giảng dạy ở Việt Nam, thày Bob và cô Ginny quan tâm tới từng sinh viên, hiểu tính cách, ưu, nhược điểm của từng bạn.

Nguyễn Thanh Thuý (Lớp Cử nhân tài năng 03, khoa Tiếng Anh) bồi hồi: "Có tố chất lãnh đạo, giao tiếp tự nhiên, nhanh nhẹn. Đó là 3 cụm từ thày Bob tặng mình buổi chia tay thày cô về Mỹ. Hôm đó tất cả các sinh viên đều được thày tặng một bài thơ kèm theo 3 cụm từ miêu tả chính xác về cá tính của từng người. Những lời khuyên ấy chắc chắn sẽ là hành trang quý giá cho mỗi sinh viên."

Tuấn Anh (Khoa tiếng Đức, ĐH Hà Nội) đã từng rất hạnh phúc khi được thày Berndt Dilp viết thư giới thiệu tham gia một khoá học 2 tháng tại Đức mùa hè vừa rồi.

Các thày cô giáo cũng thường mời sinh viên Việt Nam về nhà cùng nấu ăn, tổ chức tiệc. Các sinh viên ĐH Ngoại thương thường tập trung ở nhà thày Sherman vào sáng thứ bảy hàng tuần để sinh hoạt CLB thơ do thày tổ chức. Thày trò cùng nhau đọc và phân tích các bài thơ tiếng Anh, đôi khi là cả tiếng Việt. Sau đó thì cùng nhau nấu các món ăn Việt Nam và phương Tây, hết bánh gối lại đến pizza. sinh viên vừa liên hoan, vừa tròn xoe mắt nghe thày kể chuyện thày cầu hôn vợ thời trẻ.

Thày Presley chia sẻ: “Tôi rất bất ngờ và xúc động khi sinh viên tổ chức sinh nhật cho mình tại một quán cafe nhỏ gần trường. Thỉnh thoảng, chúng tôi cùng nhau đi chơi xa hoặc về quê một bạn trong lớp để cho tôi được thưởng thức cuộc sống ở nông thôn Việt Nam”.

Cô Susan Lucasse, giáo viên trường ĐH Ngoại thương cũng rất hạnh phúc khi học trò mua... bún chả đến ăn mừng sinh nhật cô.

Cô Susan chia sẻ: “Nhiều sinh viên tìm đến tôi tâm sự chuyện tình yêu, công việc, cuộc sống và xin tôi lời khuyên. Tuy rằng lối sống và suy nghĩ của người Việt Nam và người Mỹ đôi khi khác nhau nên tôi không thể đưa ra những lời khuyên thực sự có ích nhưng tôi luôn động viên học trò làm những gì mình cho là đúng”.

“Tôi yêu Việt Nam”

Đó là điều mà các giáo viên nước ngoài đều chia sẻ. Mỗi người một lý do khác nhau đến Việt Nam nhưng có một điểm chung giữa các thày, cô giáo là đều yêu mến học trò và đất nước này.

Image
Thày Bob và cô Ginny hát tặng sinh viên lớp Cử nhân tài năng 03, Khoa tiếng Anh, ĐH Hà Nội nhân dịp Giáng sinh
Thày Miyahara Akira (GV khoa tiếng Nhật, ĐH Ngoại thương) bồi hồi nhớ lại: “Ngày 30/4/1975, vào đúng thời khắc đất nước các bạn giành độc lập hoàn toàn và được thống nhất, tôi cũng đang đứng giảng bài ở ĐH Ngoại thương. Khi quay về Nhật, tôi cũng như nhiều người trẻ tuổi ở Nhật Bản thời đó rất khâm phục tinh thần ý chí của người Việt Nam. Vì thế, 30 năm sau, tôi đã quay lại đất nước này để tiếp tục công việc trước kia còn dang dở”.

Từng là giảng viên dạy tiếng Nhật cho sinh viên quốc tế ở các trường ĐH lớn của Nhật Bản như ĐHDL Khoa học Nghệ thuật Nagasaki, ĐH Tokyo, ĐH Nagasaki, thày Miyahara đã giảng dạy cho rất nhiều sinh viên nước ngoài. Thày đặc biệt yêu quý sinh viên Việt Nam vì “các em giản dị, rất ngoan và chăm học”.

Thày Presley (ĐH Hà Nội) thì chia sẻ: “Năm 2001, tôi đến TP.HCM du lịch. Bị ấn tượng bởi cuộc sống và con người nơi đây, ngay khi về Mỹ, tôi đã lên kế hoạch quay trở lại Việt Nam. Vì vậy, khi biết tổ chức REI tuyển tình nguyện viên sang Việt Nam dạy tiếng Anh, tôi đã đăng ký ngay và đến nay, tôi đã dạy ở đây được 2 năm”.

Thày Presley tiết lộ rằng nhiều lần đã bất ngờ vì câu hỏi thông minh của các sinh viên Việt Nam. sinh viên đưa ra những vấn đề mà thày chưa bao giờ nghĩ tới, khiến thày phải đọc sách và tra cứu tư liệu để trả lời, nhờ thế mà trình độ của thày cũng được nâng cao.

Thày Presley cười: “Nhưng câu hỏi thường gặp nhất là “thày đã có người yêu chưa?”. Trung bình mỗi ngày có một người hỏi tôi câu này. Ở Mỹ thường ít hỏi nhau thế nhưng ở Việt Nam thì khác, câu hỏi này thể hiện sự quan tâm và yêu quý”.

“Để tránh các “cú sốc văn hoá” như trên, bên cạnh 6 tháng đào tạo nghiệp vụ sư phạm, các giáo viên nước ngoài trước khi đến Việt Nam đã phải học một chút tiếng Việt có sự tìm hiểu sơ qua về đất nước, con người, phong tục tập quán, lối sống ở Việt Nam”. Thày Trương Văn Khôi (Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, ĐH Hà Nội) cho biết.

Cô Susan vừa sang Việt Nam đã mê “mía đá, ốc luộc, bún chả” như điếu đổ. Thày Bob thì mê cả thịt chó, thày Miyahara lại thích món cơm rang ngay trước cổng trường.

Thày Presley từng đọc một cuốn sách dày 600 trang về Bác Hồ. Khánh Linh (Cử nhân tài năng 04, Khoa tiếng Anh, ĐH Hà Nội) cho biết: “Khi lớp đưa thày đi chơi lăng Bác, đứa nào cũng bất ngờ thay vì thày kể cho nghe những câu chuyện về Bác mà bọn em chưa từng biết”.

Lan Hương