logo
EN
VN

Nghiên cứu khoa học

M ột trong những yếu tố được coi trọng hàng đầu là việc khuyến khích giảng viên và sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng của việc dạy và học.. .

Khởi động hoạt động của nhóm nghiên cứu dịch thuật Trường Đại học Hà Nội

HANU - Ngày 31/5/2019, nhóm nghiên cứu dịch thuật của Trường Đại học Hà Nội đã họp buổi đầu tiên để triển khai đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng tiêu chí đánh giá năng lực dịch thuật” với kinh phí là 350.000.000 đồng do Bộ GD&ĐT cấp, thực hiện trong 2 năm 2019-2020. Nhóm nghiên cứu gồm 6 thành viên là các giảng viên - nghiên cứu viên của Trường Đại học Hà Nội; chủ nhiệm đề tài là GS. TS Vũ Văn Đại, người đã từng công bố nhiều công trình nghiên cứu và sách chuyên khảo về lý thuyết và thực tiễn dịch thuật tại Việt Nam.

Hai sản phẩm quan trọng của đề tài là: 1) Khung tham chiếu năng lực biên dịch và phiên dịch; 2) Khung tham chiếu đánh giá năng lực dịch thuật trong công tác đào tạo dịch tại các trường đại học chuyên ngữ ở Việt Nam. Trong bối cảnh nghề biên-phiên dịch ngày càng phát triển khi Việt Nam mở rộng quan hệ đối ngoại trong mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội với hầu hết các quốc gia trên thế giới, đào tạo dịch chuyên nghiệp đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Các chương trình đào tạo cử nhân biên-phiên dịch tại các trường chuyên ngữ của Việt Nam đang được xây dựng và triển khai chủ yếu theo kinh nghiệm trong và ngoài nước. Hiện chưa có một Khung tham chiếu chung về năng lực nghề biên và phiên dịch để dựa vào đó xây dựng chương trình đào tạo theo các chuẩn đầu ra cụ thể và đánh giá năng lực một cách khoa học. Khi đề tài hoàn thành, các trường đại học chuyên ngữ có thể dựa vào 2 khung năng lực nêu trên để điều chỉnh chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, cải tiến phương pháp kiểm tra, đánh giá theo năng lực nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động và tiệm cận với chuẩn quốc tế. Bên cạnh 2 khung tham chiếu, nhóm nghiên cứu cũng dự kiến đăng 03 bài báo trong nước và quốc tế (tạp chí trong hệ thống Scopus), xuất bản 1 sách chuyên khảo, đào tạo 2 thạc sĩ và 1 nghiên cứu sinh.

Thành lập các nhóm nghiên cứu ứng dụng chuyên sâu dựa trên thế mạnh truyền thống là một trong các định hướng chiến lược quan trọng của Trường Đại học Hà Nội trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Trong năm 2019, dự kiến các nhóm nghiên cứu đầu tiên sẽ được thành lập trong các lĩnh vực dịch thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy ngoại ngữ, thụ đắc ngôn ngữ… Với lợi thế là 100% giảng viên-nghiên cứu viên đều sử dụng thành thạo một ngoại ngữ, hy vọng các nhóm nghiên cứu sẽ tiếp thu được tri thức tiên tiến của thế giới, kết hợp với thực tế hiểu biết về giáo dục tại Việt Nam để tạo ra các sản phẩm nghiên cứu có giá trị ứng dụng cao.

190603 nhom nghien cuu