logo
EN
VN

Nghiên cứu khoa học

M ột trong những yếu tố được coi trọng hàng đầu là việc khuyến khích giảng viên và sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng của việc dạy và học.. .

Hành chính hóa hệ thống tài chính cho khoa học: Có tạo ra rào cản của sáng tạo?

Nhà khoa học không tin nhà quản lý công tâm. Ngược lại, nhà quản lý lại không tin nhà khoa học nghiêm túc... Vì thế, nhiều chủ nhiệm đề tài khoa học cho rằng, việc nghiên cứu không quan trọng bằng việc thanh, quyết toán kinh phí. Do đó, đồng hành cùng họ luôn là các nhân viên kế toán giỏi, biết cách "nhảy múa với các con số".

Ra đời cách đây gần 4 năm, Nghị định (NĐ) 115/2005/NĐ-CP về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học, công nghệ (KHCN) công lập được ví như "cơ hội vàng" cho các tổ chức KHCN ăn nên làm ra. Tuy nhiên, một trong những lý do để KHCN Việt Nam hiện vẫn ở "vùng trũng" của thế giới chính là việc giải quyết nhiều vấn đề khoa học theo kiểu hành chính hóa vẫn còn khá phổ biến.

Nhà khoa học sợ... quyết toán

Theo PGS-TSKH Phùng Hồ Hải (Viện KHCN Việt Nam), nền khoa học nước nhà đang đứng trước "căn bệnh" thiếu tin tưởng lẫn nhau. Nhà khoa học không tin nhà quản lý công tâm. Ngược lại, nhà quản lý lại không tin nhà khoa học nghiêm túc... Vì thế, nhiều chủ nhiệm đề tài khoa học cho rằng, việc nghiên cứu không quan trọng bằng việc thanh, quyết toán kinh phí. Do đó, đồng hành cùng họ luôn là các nhân viên kế toán giỏi, biết cách "nhảy múa với các con số".

TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho biết: Cơ chế quản lý tài chính trong các hoạt động KHCN hiện nay theo hình thức khoán chi được quy định tại Thông tư 93/2006/TTLT/BTC-BKHCN và xây dựng tiêu chuẩn, định mức theo Thông tư 44/2007/TTLT/BTC-BKHCN còn một số vướng mắc. Trước hết là muốn khoán được thì phải dựa trên dự toán được tính đúng, tính đủ các chi phí chính. Tuy nhiên, hiện nay trong nội dung dự toán còn nhiều khoản kinh phí chưa được tính như lương cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý, giám sát đánh giá, hợp tác quốc tế và chi phí dự phòng.

Ngoài ra, việc tính dự toán kinh phí phải căn cứ vào hệ thống tiêu chuẩn, định mức chuyên ngành sát với thực tế. Tuy nhiên, do các định mức kinh tế - kỹ thuật để xây dựng dự toán hiện nay không linh hoạt, không được xây dựng gắn với giá thị trường của từng chuyên ngành kỹ thuật cụ thể nên ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện các nhiệm vụ KHCN. Mặt khác, ngay cả đối với những phần đã được khoán theo định mức trong dự toán, quy định hiện hành vẫn yêu cầu các tổ chức KHCN giao nộp hóa đơn chứng từ để hoàn thiện thủ tục thanh toán. "Đây là thủ tục hình thức rườm rà, không cần thiết, gây lãng phí thời gian và nguồn lực" - TS Đặng Kim Sơn khẳng định.
 
Đâu là tiếng nói chung?

Hiện nay, phần lớn hoạt động KHCN được giao theo hình thức đề tài. Đề tài có thể kéo dài, nhưng nhiều trường hợp là đề tài hằng năm và thời gian quyết toán phụ thuộc vào năm ngân sách. Trên thực tế, có nhiều nhiệm vụ KHCN, nhất là với các đề tài nghiên cứu ứng dụng, mục tiêu cuối cùng phải là sản phẩm KHCN khó có thể quyết toán theo năm tài chính. Rõ ràng, lúng túng trong việc quyết toán tài chính trong khoa học bấy lâu nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.

Một vài năm gần đây, Bộ KHCN đã có nhiều nỗ lực trong đổi mới cơ chế hoạt động KHCN, trong đó có cơ chế tài chính. Cụ thể là theo NĐ 115 cùng với yêu cầu tự chủ, tự hạch toán kinh phí, các tổ chức khoa học còn được trao hàng loạt quyền khác, gồm: ký hợp đồng thực hiện các dịch vụ KHCN; được mời chuyên gia, các nhà khoa học nước ngoài vào Việt Nam và cử cán bộ ra nước ngoài; được sản xuất, kinh doanh hàng hóa; được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; xuất khẩu, nhập khẩu trực tiếp công nghệ và sản phẩm... Cũng nhằm "giải cứu" vấn đề tài chính trong nghiên cứu khoa học, Bộ KHCN lập Quỹ Phát triển KHCN quốc gia vào tháng 3-2008. Ở đó, nhà khoa học có thể được tài trợ lên đến 25.000 USD và được toàn quyền chi tiêu số tiền được cấp mà không phải lo hợp pháp hóa chứng từ như cách làm của nhiều đề tài đang thực hiện hiện nay.

Ở một góc độ khác, quyền tự chủ tài chính trao cho các tổ chức KHCN cũng phải đi đôi với thay đổi trong cách quản lý. Qua tham khảo kinh nghiệm của New Zealand, TS Đặng Kim Sơn cho rằng: Ngân sách nên dùng để đầu tư cho các bước đầu tiên khi nghiên cứu mang tính lý thuyết và vốn của DN được tập trung cho giai đoạn cuối, gắn với ứng dụng. Khuyến khích các viện nghiên cứu (VNC) bỏ vốn đầu tư vào hướng nghiên cứu có triển vọng và cho phép họ thu tiền bản quyền tác giả lâu dài. Mặt khác, nếu thấy kết quả có khả năng ứng dụng cao vào sản xuất, các công ty có thể hợp đồng thêm với VNC để đa dạng hóa sản phẩm và đưa nhanh vào ứng dụng. Cách quản lý và sử dụng nguồn vốn của Nhà nước, VNC và tư nhân như trên giúp tránh được hai vấn đề thường gây tranh cãi ở Việt Nam. Đó là sự phân bổ đầu tư giữa nghiên cứu cơ bản (của Nhà nước) và nghiên cứu ứng dụng (đang xã hội hóa) và mối quan hệ giữa viện lớn (các viện hàn lâm, viện mẹ) và các đơn vị trực thuộc.

Rõ ràng, để các cơ quan khoa học hằng năm không phải “biến báo”, "nhảy múa với các con số" đòi hỏi không chỉ nỗ lực của các tổ chức KHCN mà còn từ phía cơ quan quản lý. Giã từ "cuộc chơi" hiện nay, tìm một cách làm phù hợp, không sớm thì muộn cũng là điều phải làm.

Theo hanoimoi.com.vn