logo
EN
VN

Nghiên cứu khoa học

M ột trong những yếu tố được coi trọng hàng đầu là việc khuyến khích giảng viên và sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng của việc dạy và học.. .

Kết quả nghiệm thu cấp Bộ đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ

Căn cứ Quyết định số 400/QĐ-BGDĐT ngày 23/01/2008 về việc thành lập Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Bộ đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ, ngày 29 tháng 02 năm 2008, tại trường Đại học Hà Nội đã diễn ra buổi họp nghiệm thu đề tài “Cơ sở lý luận dạy dịch và thực tiễn biên soạn giáo trình dịch (chủ đề kinh tế) cho sinh viên chuyên ngữ (ngành tiếng Nga)”.

Tên đề tài: “Cơ sở lý luận dạy dịch và thực tiễn biên soạn giáo trình dịch (chủ đề kinh tế) cho sinh viên chuyên ngữ (ngành tiếng Nga)”
Mã số: B-2006-26-03, được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt ngày 03 tháng 3 năm 2006
Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Vũ Ngọc Vinh
Cơ quan chủ trì đề tài: Trường Đại học Hà Nội
Cơ quan và cá nhân phối hợp thực hiện: Trường Đại học Hà Nội
Thời gian thực hiện: 2 năm (từ tháng 3-2006 đến tháng 12-2007)

Dựa trên những ý kiến đóng góp, nhận xét của các thành viên từ Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở, chủ nhiệm đề tài đã có những chỉnh sửa hợp lý để hoàn thiện các báo cáo tổng kết, báo cáo tóm tắt cũng như các sản phẩm của đề tài là Bộ giáo trình dịch nói gồm hai cuốn: một cuốn dành cho sinh viên và một cuốn dành cho giáo viên, kèm theo đó là bộ băng ghi âm phục vụ cho giáo trình này.
Kết thúc buổi họp, các thành viên Hội đồng đều đánh giá rất cao kết quả đạt được của đề tài và nhất trí xếp loại TỐT. Trên cơ sở đó, Trường Đại học Hà Nội sẽ hoàn thành hồ sơ và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận kết quả của đề tài trong thời gian tới. 

Một số thông tin về đề tài:
1. Mục tiêu của đề tài:
- Xây dựng cơ sở lý luận của phương pháp giảng dạy dịch cho sinh viên chuyên ngữ Việt Nam (ngành tiếng Nga) dựa trên hệ thống lý luận phương pháp giảng dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ, hệ thống lý luận dịch và thực tiễn quá trình giảng dạy dịch ở ngoài môi trường ngôn ngữ.
- Vận dụng cơ sở lý luận dịch đại cương, dịch song ngữ và phương pháp giảng dạy dịch để biên soạn giáo trình dạy dịch (trên tài liệu tiếng Nga và tiếng Việt).
2. Nội dung chính:
Phần 1: Nghiên cứu cơ sở lý luận, phương pháp biên soạn giáo trình dịch viết và dịch nói gồm:
- Cơ sở ngôn ngữ học của giáo trình dạy dịch: phân tích và nghiên cứu các đơn vị từ vựng ngữ pháp khó tiêu biểu thường gặp trong tài liệu của phong cách báo chí-chính luận Nga-Việt thuộc chủ đề kinh tế.
- Các vấn đề giao thoa liên ngôn ngữ, nội ngôn ngữ, giao thoa liên văn hóa, các loại lỗi thường gặp trong dịch và ảnh hưởng của chúng tới việc hình thành bản dịch và phương pháp học dịch.
- Cơ sở phương pháp biên soạn giáo trình dịch: mục tiêu, cấu trúc giáo trình, nguyên tắc lựa chọn và tổ chức tài liệu trong giáo trình dịch; hệ thống bài tập dạy dịch viết và dịch nói.
Phần phụ lục của đề tài nghiên cứu là Bảng thuật ngữ dịch Nga-Việt và Bảng thuật ngữ tường giải bằng tiếng Nga.
Phần 2: Giáo trình dịch nói
“Giáo trình dịch nói” được biên soạn dựa trên những chủ đề song song với “Giáo trình dịch viết” đang được sử dụng tại khoa tiếng Nga – Trường Đại học Hà Nội nhằm hình thành và rèn luyện các kỹ năng dịch nói, kết hợp kỹ năng dịch nói với dịch viết, đồng thời thông qua tài liệu giảng dạy trang bị và bổ sung kiến thức ngôn ngữ, kiến thức kinh tế phổ thông và kiến thức nền cho sinh viên. Giáo trình gồm 12 bài, mỗi bài gồm 3 phần: phần giới thiệu (gồm một hoặc một số văn bản cùng chủ đề), phần chú giải từ vựng- ngữ pháp và phần bài tập.
Phần 3: Sách dành cho giáo viên và băng ghi âm
Sách dành cho giáo viên nhằm hướng dẫn chung về phương pháp giảng dạy và một số vấn đề cần lưu ý đối với giáo viên khi sử dụng “Giáo trình dịch nói”. Đặc biệt sách cung cấp cho giáo viên văn bản các băng dịch nói (không có trong giáo trình của sinh viên), các dạng thức bài thi-kiểm tra như một hướng dẫn để giáo viên biên soạn các bài thi-kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ hoặc cuối khóa và luyện thêm cho sinh viên trong quá trình học dịch.
3. Kết quả chính đạt được (khoa học, ứng dụng, đào tạo, kinh tế - xã hội...)
- Đây là công trình lý luận-thực tiễn biên soạn giáo trình dịch phục vụ công tác đào tạo cử nhân ngoại ngữ có định hướng phiên dịch Nga-Việt với đề tài nghiên cứu và nội dung nghiên cứu được tiến hành lần đầu tiên ở các trường đại học chuyên ngữ Việt Nam, không trùng với bất kỳ công trình nghiên cứu nào đã được thực hiện trước đây.
- Những quan điểm lý thuyết trình bày trong phần 1 của công trình là cơ sở phương pháp cho việc biên soạn các tài liệu giảng dạy môn dịch nói chung (không chỉ cho dịch viết và dịch nói và không chỉ cho cặp tiếng Nga-Việt), tạo tiền đề cho những nghiên cứu tiếp theo trong lĩnh vực phương pháp đào tạo cử nhân ngoại ngữ có định hướng dịch và đào tạo phiên dịch.
- Công trình đã ứng dụng được những quan điểm lý thuyết hiện đại về bản chất hoạt động dịch, đây là cơ sở để đề ra phương pháp giảng dạy dịch và biên soạn giáo trình dịch.
- Công trình đã nghiên cứu mức độ tương thích dịch ở các cấp độ hệ thống, chuẩn mực, chuẩn dụng ngôn ngữ và lời nói. Sự phân biệt các cấp độ này có giá trị lý luận và thực tiễn cao trong đối chiếu liên ngôn ngữ, liên văn hóa, phân loại các lỗi dịch thuật và đề ra các biện pháp thích hợp ngăn ngừa, khắc phục lỗi, các hiện tượng giao thoa trong học ngoại ngữ nói chung và học dịch nói riêng.
- Kết quả nghiên cứu của đề tài này có giá trị thực tiễn to lớn, phục vụ trực tiếp cho nhu cầu giảng dạy, học tập môn dịch ở khoa tiếng Nga và cho tất cả những ai trong số người Việt và người Nga muốn học tập để trở thành phiên/ biên dịch Nga – Việt trong lĩnh vực kinh tế.
- Cuốn Giáo trình dịch nói ra đời đáp ứng thiết thực nhu cầu về giảng dạy tại khoa tiếng Nga, Trường Đại học Hà Nội cũng như trong toàn xã hội, bởi vì cho đến nay ở khoa tiếng Nga (và rộng ra là ở Việt Nam) chưa có một tài liệu giảng dạy tương tự, mới chỉ có các loại giáo trình dạy dịch chung mà chưa định hướng chuyên vào dịch nói. Tùy theo mục tiêu đào tạo, giáo trình cũng có thể dùng cho các đối tượng học tiếng Nga của các trường đại học chuyên ngữ khác và các khóa học dịch chuyên ngành kinh tế.
- Bên cạnh giáo trình dịch nói còn có Sách cho giáo viên và băng ghi âm. Đây là những tài liệu giảng dạy hữu quan, cùng với giáo trình dịch viết cấu thành bộ giáo trình dạy dịch hoàn chỉnh cho sinh viên chuyên ngữ Việt Nam.